Trên tờ báo khá nổi tiếng The Guardian (Anh), bài viết của tác giả David Vann chia sẻ về việc từ dự định chỉ ghé TP HCM một đêm rồi đi, sau đó đã kéo dài thành 6 tháng, sử dụng hình ảnh chính là phố đi bộ Bùi Viện. Cũng như ai từng đến, tham gia hoặc chỉ ngồi quan sát sẽ dễ thấy phần lớn những hoạt động yêu thích tác giả chia sẻ trong bài là ở con phố Tây này.
Sự cuốn hút của những phố đi bộ
Trên diễn đàn du lịch thế giới TripAdvisor, với câu hỏi so sánh 2 phố đi bộ Nguyễn Huệ và Bùi Viện, du khách nước ngoài từng đến hoặc hiện đang ở Việt Nam đã trả lời rất rõ sự khác biệt giữa 2 nơi và khuyên ai thích cuộc sống về đêm ồn ào, nhộn nhịp, ẩm thực, quán xá, bia bọt đông vui... thì hãy đến Bùi Viện. Điều này cho thấy sự quan tâm, cuốn hút không nhỏ của con phố này đối với du khách.
Ở Khaosan đêm nào cũng đông như hội
Từng ghé nhiều phố đi bộ trên thế giới, mà đúng hơn là các "backpacker street" (tạm dịch là phố cho dân du lịch lữ hành) vì thật ra xe cộ vẫn có thể lưu thông ở đó theo khung giờ, như Khaosan (Bangkok - Thái Lan), Jalan Jaksa (Jakarta - Indonesia), Jalan Legian (Bali - Indonesia), Jalan Bukit Bintang (Kuala Lumpur - Malaysia)..., tôi cũng thấy rõ sự cuốn hút mạnh mẽ ở đó. Cần nói thêm quan niệm của không ít người cho rằng các đường phố này chỉ dành cho dân du lịch balô nên ít chi tiêu và ít thu được ngoại tệ là khá sai lầm. Có rất nhiều du khách túi rủng rỉnh nhưng chỉ thích ngụ ở các khu phố này để có thể hòa nhập vào cuộc sống phố phường phương Đông nhộn nhịp hiếm có ở vài nước Âu - Mỹ với nếp sống lạnh, xa cách. Thứ đến, có nhiều du khách lưu trú ở các khách sạn cao cấp nhưng vẫn đón tuktuk, taxi đến các khu này để vui chơi. Điểm nữa là giờ đây hầu như ở gần hay ngay trong các backpacker street vẫn có khách sạn nhiều sao cho khách cao cấp. Nên trong các bài viết, tour giới thiệu các miền đất thu hút khách du lịch hàng đầu thế giới như Bangkok, Bali... luôn có tên những con phố balô này.
Chuyện đánh nhau ở đâu cũng có, nhưng…
Ở các con phố du lịch xứ người có lộn xộn, có chuyện đánh du khách đến 2 lần chỉ trong một đêm như ở Bùi Viện vừa qua không? Có một nhận định khá đau lòng sau của du khách: "Bui Vien can be hard work! Motorbikes thieves grabbing phones and bags, difficult vendors, beggars..." (tạm dịch "Bùi Viện có thể không dễ chịu lắm đâu nhé. Cướp giật túi xách, điện thoại, ăn xin, mấy người bán hàng rong khó chịu..."). Xin lưu ý là những thông tin trao đổi này trên trang mạng TripAdvisor chỉ mới trong tháng 2-2018. Mà thực ra, chuyện này báo chí nước nhà cũng đưa tin hoài, gần đây nhất là một Việt kiều Đức bị giật túi xách ở khu phố Tây hay chuyện những người bán dừa lừa đảo đã nói hoài vẫn cứ thấy tới lui nói miết.
Chuyện mất kiểm soát khi bia rượu quá độ đâu cũng vậy, như mới ngày 18-3 xảy ra vụ việc một chủ quán bar ở Pattaya - Thái Lan bị đánh đến bất tỉnh nhưng không nhiều như ở Việt Nam, nhất là việc giật dọc, hàng rong lừa đảo... Nói thật là tôi từng lang thang Khaosan, Jalan Legian, Jalan Jaksa..., tính ra chắc cả gần trăm đêm nhưng chưa thấy mấy chuyện đó. Đương nhiên, kết quả đó là cả một quá trình, cả về mặt giáo dục, nhận thức xã hội, ý thức công dân... chứ không phải chuyện ngày một ngày hai.
Vậy phải làm gì?
Bên cạnh chuyện lâu dài, việc trước mắt là cần tăng cường huấn luyện, giáo dục, kiểm tra, ngăn chặn tội phạm. Đơn cử như ở Khaosan, chặn ngay đầu đường là đồn cảnh sát Chanasongkran to đùng, trực suốt đêm ngày. Chuyện hàng rong bên đó thoáng hơn Việt Nam nhiều (vì họ lấy đó làm một điểm nhấn thu hút du lịch). Phố Tây ở Việt Nam làm gì có hàng rong xếp hàng 2-3 bên dọc theo lòng đường, bán đủ thứ từ ăn uống, quà lưu niệm đến mát-xa, tết tóc, nối tóc, xăm dán... còn lấn lướt cả những cửa hàng của mấy căn nhà mặt tiền. Thế nhưng, phải trong vạch mức cho phép và không chèo kéo lừa đảo. Hàng rong ẩm thực phải đi học các lớp về vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá niêm yết rõ ràng dù bán lề đường chỉ mươi ngàn đồng. Không thích khách chụp hình hàng quán thì ghi rõ hoặc muốn chụp mấy món ăn lạ như côn trùng, bọ cạp phải trả tiền thì cũng đề rõ giá chứ làm gì có chuyện bị dí cái nón lá, đôi quang lên người chụp gánh dừa mất vài trăm ngàn...
Đồn cảnh sát mở cửa 24/24 giờ, cảnh sát thường xuyên đi tuần ngược xuôi, nhiều bữa 2-3 giờ sáng còn thấy các anh rong ruổi trên phố chứ không để chuyện xong rồi mới ghé. Ngay cả chuyện hồi trước mấy anh công an bên mình nhiệt tình đi phát tờ rơi cảnh báo tội phạm ở khu phố Tây đã bị "tạm ngưng" vì "sợ phản cảm"... thì bên xứ bạn, các cảnh báo được in, dán thẳng to đùng trước đồn cảnh sát hay trong các hàng quán, chẳng ngại ngần gì. Mấy chuyện này, nếu chúng ta nhiệt tâm và cứng rắn như bên bạn thì đâu có chuyển "tẩn" khách đến 2 lần trong đêm, cũng như mấy chuyện lộn xộn khác.
Sự cuốn hút của phố đi bộ Bùi Viện đã thấy rõ, UBND quận 1 cũng đã đề xuất mở rộng khung giờ ra cả 3 ngày cuối tuần. Thế nhưng, những bất cập ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch ở TP năng động, lớn nhất nước này cứ kéo dài dai dẳng vẫn là chuyện khó hiểu khi vấn đề không phải là quá khó để nhận thấy. Vậy làm sao để có thể phát triển mạnh hơn nữa khi đã bỏ không ít công sức, tiền của, nhân lực của cả nhà nước và nhân dân vào đó? Phải chăng hỏi là đã trả lời!
Ước tính, vào những ngày cuối tuần, có hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi và sử dụng các dịch vụ trên phố đi bộ Bùi Viện.
Bình luận (0)