Bỡ ngỡ, sợ...
Với bản thân tôi, đến với giáo dục đặc biệt là một cơ duyên lớn trong cuộc đời. Lúc mới nhận công tác tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Quảng Ngãi), tôi rất mừng nhưng lại cũng rất lo. Mừng vì có việc nhưng lo cái tâm mình có đủ lớn để giảng dạy cho các em hay không. Tôi cũng sợ công việc khó khăn, gian khổ... Tôi đã sợ rất nhiều.
Nhưng mọi nỗi sợ của tôi đã bị "đánh tan" trong lần đầu tiếp xúc với các em. Khi xem các em biểu diễn văn nghệ tôi đã vô cùng thán phục vì sao các em khuyết tật mà có thể làm được tốt đến như vậy, và cũng phục những thầy cô đã tập cho các em một tiết mục văn nghệ hay.
Tự nhiên tôi khóc, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Khóc không phải vì sợ mà hạnh phúc. Những giáo viên dạy dỗ các em đã giỏi nhưng tôi thấy các em còn giỏi hơn rất nhiều. Những tiết mục văn nghệ đã truyền đến cho tôi và mọi người cùng xem thông điệp các em "tàn" nhưng không "phế". Các em có thể làm được như những học sinh bình thường, thậm chí có khi tốt hơn rất nhiều.
Tai nạn nghề nghiệp
Kể từ lúc đó, với tôi, mỗi ngày đến trường là một ngày vui nhưng cũng chứa đựng không ít khó khăn.
Ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn nuôi dạy rất nhiều dạng tật: khiếm thính, chậm phát triển trí tuê, bị down, bại não.... Với riêng từng dạng tật các em có các hành vi và cách ứng xử khác nhau. Trong giờ học trên lớp cũng như các hoạt động bên ngoài, có những tiết dạy không thể thực hiện được vì trẻ tự kỷ có những hành vi rất khó lường. Đang dạy các em lại nằm lăn ra la hét, đôi khi đánh bạn, có lúc lại làm đau chính mình và thậm chí còn đánh cả tôi. Lúc đó, tôi phải tạm hoãn và điều chỉnh hành vi, điều hòa cảm giác để các em cảm thấy dể chịu hơn.
Còn với trẻ khiếm thính, trước đây tôi chỉ được học ngôn ngữ kí hiệu qua sách vở nên khi thực hành với trẻ thật sự là một khó khăn. Ngoài giờ dạy ở trường, tôi phải học hỏi thêm rất nhiều với mong muốn truyền tải được những nội dung hay nhất, dễ hiểu nhất và thiết thực nhất đến với trẻ.
Tin tưởng về một tương lai tươi sáng đang chờ các em ở phía trước, tôi luôn kiên trì, cố gắng rất nhiều. Thế nhưng có những lúc tôi tưởng chừng như muốn buông xuôi tất cả. Đó là một "tai nạn nghề nghiệp" mà chắc có lẽ điều đó sẽ đi theo tôi mãi trong sự nghiệp trồng người sau này.
Tôi còn nhớ hôm đó trong giờ ngủ trưa, một trẻ tự kỷ không ngủ mà đi qua đi lại trong phòng. Lúc này một trẻ bị down đã lấy thanh phách học nhạc đánh vào tay vào đùi của bé tự kỷ. Lúc đó, tôi đang ăn trưa dưới nhà ăn, khi lên phòng ngủ các em đã ngủ nên tôi không biết.
Đến chiều trả cháu, phụ huynh thấy cháu có vết bầm trên tay, trên đùi đã vội chụp hình và đăng lên mạng xã hội nói giáo viên bạo hành trẻ, không có lương tâm mà chưa trao đổi gì với tôi, với nhà trường.
Là giáo viên chủ nhiệm, là người dạy dỗ, theo dõi từng bữa ăn, giấc ngủ của trẻ nhưng lúc bị vu oan tôi đã rất hoảng loạn, sợ hãi. Sợ mọi cố gắng và mọi tâm huyết của mình sẽ trở về con số không. Sợ nó sẽ để lại vết nhơ trong sự nghiệp.
Thế nhưng, trời đã không phụ người có lòng. Ngay hôm sau, ban giám hiệu đã mời phụ huynh, tôi và toàn thể giáo viên, nhân viên của trung tâm và có cả các trẻ lớp tôi chủ nhiệm. Sự thật được sáng tỏ, các em đã thuật lại sự việc của buổi trưa hôm đó. Lúc đó, tôi như vỡ òa trong nước mắt vì mình đã được giải oan. Phụ huynh đã gởi lời xin lỗi đến nhà trường, đến tôi và gỡ bỏ bài viết đã đăng trên mạng xã hội. Lúc này mọi gánh nặng, mọi suy nghĩ tiêu cực của tôi đã được trút bỏ. Nhưng hơn lúc nào hết tôi nhận ra rằng vì sự chủ quan không đáng có mà để xảy ra một sự việc nghiêm trọng.
Lằn roi trên người trẻ tuy không phải tôi trực tiếp gây ra nhưng cũng do một phần lỗi của tôi. Từ lúc đó, tôi đã rút ra bài học xương máu là hễ đến trường thì bất cứ lúc nào trong giờ học, giờ sinh hoạt, ra chơi, ăn trưa, ngủ trưa, thậm chí là đi vệ sinh trẻ cũng phải luôn trong tầm nhìn của tôi. Bởi tôi sợ những sai lầm của mình dẫn đến những điều không tốt cho những đứa trẻ luôn thơ dại của mình.
Cô Đoàn Thị Nhật Phương cùng các học trò yêu của mình
Với tôi, từng ngày đến trường nhìn những nụ cười ngây dại và chỉ một chút tiến bộ trong học tập cũng như các kỹ năng sống của trẻ cũng là động lực để tôi có thể bước tiếp chặng đường dài đầy thử thách ở phía trước. Tôi muốn góp một phần sức nhỏ nhoi của mình làm đòn bẩy để đưa các em đến sự tiến bộ nhanh hơn, làm điểm tựa để lấp đầy những vầng trăng khuyết.
Cô Đoàn Thị Nhật Phương đã được Bộ Giáo dục Đào tạo tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật năm học 2017-2018.
Bình luận (0)