Ai cũng mong muốn có một mảnh đất an cư, nhưng vì nghèo nên nhiều người phải chấp nhận mạo hiểm mua đất giá rẻ, chấp nhận rủi ro, mặc cho các cò đất trục lợi.
Nghèo quá nên... liều
Sau khi đọc loạt bài “Giải mã" những căn nhà bất thường trên Báo Người Lao Động, rất nhiều bạn đọc cho rằng những chuyện như trên diễn ra từ bao năm nay, biết bao gia đình nghèo lao đao, bao nhiêu kẻ đầu cơ phất lên nhanh chóng và không ít cán bộ địa phương đã “no cơm ấm cật”.
Không biện hộ cho việc xây cất tùy tiện nhưng thử hỏi nếu không làm thế thì bao giờ người nghèo, thậm chí là người có thu nhập trung bình kiếm nổi một mảnh đất. “Hai vợ chồng từ quê vào, lương tôi được 7 triệu đồng/tháng, vợ được 4 triệu đồng/tháng. Sau khi chi tiêu, mỗi tháng còn được khoảng 6 triệu đồng. Với số tiền này, tôi phải tích cóp nhiều năm, chấp nhận mạo hiểm mới mua được mảnh đất nhỏ giá 300 triệu đồng. Tất nhiên đây không phải đất “sạch”. Muốn cất nhà phải lén lút, chạy chọt. Hy vọng khi nhà nước thay đổi quy hoạch thì còn cơ may, không thì tôi sẽ trở thành một trong vô số nạn nhân mà bài báo trên đề cập. Nếu muốn mua đất đủ điều kiện xây dựng, tôi phải mất khoảng 20 năm, với điều kiện cả nhà đừng bệnh hoạn gì, đừng có khoảng chi tiêu lớn bất ngờ nào và con cái đừng... đi học” - ông Nguyễn Xuân Bình - ngụ quận 12, TP HCM - chia sẻ.
Trong khi hàng trăm ngôi nhà bị tháo dỡ vì xây dựng không phép thì những ngôi nhà này vẫn được ngang nhiên tồn tại. Ảnh: Lê Phong
Với những khó khăn không thể vượt qua này, hàng vạn người phải chấp nhận mua đất nông nghiệp, cầu may sẽ len lỏi tạo dựng được một căn nhà. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các đầu nậu thu gom đất ngoại thành sống phè phỡn; cò đất tung hoành bòn rút thêm tiền của người nghèo.
“Ai cũng biết thực trạng này, nhất là các cơ quan chức năng địa phương. Vấn đề là khi người dân mua đất xây nhà lại không thấy ai cảnh báo, ngăn cản từ đầu hoặc rốt ráo ngăn chặn những kẻ đầu cơ đất. Một mối nhợ mơ hồ nhưng cực kỳ dễ thấy kết nối những người liên quan đến việc đầu cơ đất đai kiểu này” - bạn đọc Hoàng Văn Trung - ngụ quận Bình Tân, TP - nêu quan điểm.
Ai tiếp tay cho cò?
Một người dân chỉ cần đổ đống cát trước nhà thì lập tức cán bộ địa chính phường, xã sẽ xuất hiện. Xây một căn nhà thì năm bảy bữa sẽ có các đoàn kiểm tra đủ kiểu “hỏi thăm”. Lấn một viên gạch thôi là bị rầy rà đủ kiểu. Còn ở những địa phương trên, bao nhiêu căn nhà xây cả mấy năm trời nhưng chẳng ai nhắc nhở. Đùng một cái, lực lượng chức năng đến tháo dỡ, đẩy người dân vào cảnh màn trời chiếu đất.
Bạn đọc Thanh Liêm bức xúc: “Trêu ngươi nhất là hàng trăm căn nhà bị đập như thế nhưng bên cạnh đó có không ít căn nhà tuy không được cấp phép xây dựng nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại. Không ai dám khẳng định điều gì, tuy nhiên ai cũng hiểu vì sao như thế. Sự bất thường này làm người dân mất tin tưởng vào sự công minh của chính quyền địa phương. Quan trọng hơn, nó như món mồi để dẫn dụ những người yếu lòng phải bấm bụng chi tiền cho cò và đặt cược gia sản của mình vào tay đầu nậu đất”.
“Phát hiện những đầu nậu này có khó không?” - nhiều bạn đọc đặt câu hỏi. “Quá dễ” - nhiều bạn đọc khác bày tỏ. “Tại sao những đầu nậu này cứ tồn tại?”. Trước câu hỏi này, không ít bạn đọc ngao ngán.
Bình luận (0)