"Thần kỳ" hơn, thông qua bấm số, những biển số xe này lần lượt xếp hàng "chui" vào một gia đình làm nghề kinh doanh. Cụ thể, người chồng bấm được biển số 60B6-88889 cho chiếc xe hiệu Suzuki RGV120, biển số 60B6-88886 cho xe SH150i. Người vợ thì bấm được 2 biển số 60B6-88888 và 60B6-88868 cho 2 chiếc xe cùng mang nhãn hiệu Yaz.
Ít nhất 1 trong 4 xe máy vừa sở hữu biển số đó từ giá mới mua vài trăm triệu đồng đã được bán ngay trên 1 tỉ đồng.
Đáng nói, đây không phải lần đầu. Hồi tháng 12-2022, "bàn tay vàng" của gia đình ấy từng lựa được biển số 60B6-87979 cho chiếc xe SH150i mà theo dân chơi biển số xe, giá trị biển số thần tài lớn này có giá trị hàng trăm triệu đồng.
"Vô tình gặp may" hay "bất thường đầy chủ đích" là câu hỏi dư luận ngay sau đó dồn dập đặt ra với quy trình bấm biển số "ngẫu nhiên mà như lựa chọn" trên.
Từ những nghi vấn này, giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã lập tức chỉ đạo xác minh, Bộ Công an đồng thời cử lực lượng nghiệp vụ vào cuộc. Các động thái liên tiếp, ráo riết, kịp thời ấy là rất cần thiết nhằm làm rõ có hay không câu chuyện tiêu cực. Bởi không ai có thể tin được ngày hôm ấy "mầu nhiệm" đến như vậy đối với đúng 4 chiếc xe của một gia đình.
Và một phần câu trả lời đã dần hé lộ khi đến ngày 1-4, phó công an xã Sông Nhạn bị tạm đình chỉ công tác do làm sai quy trình hướng dẫn đăng ký xe.
Cái quy trình ấy quan trọng ra sao, ảnh hưởng thế nào đến việc 4 "biển số vàng" trong 1 ngày thuộc sở hữu của một nhà? Xa hơn nữa, ngoài quy trình đó thì còn những yếu tố gồm kỹ thuật, con người lẫn đường dây nào liên quan? Tiêu cực, nếu có, thì đó là cá biệt hay là "kinh nghiệm làm ăn" đã ngấm ngầm phổ biến tại đây và nhiều điểm bốc số xe khác?
Cần làm rõ những điều trên càng sớm càng tốt. Để từ đó xóa đi hồ nghi việc có hay không tình trạng mượn danh nghĩa công khai bốc số nhằm "làm ăn" bất chính, coi thường quy định của nhà nước cũng như niềm tin về sự công khai, công bằng trong lựa chọn của người dân.
Bình luận (0)