Bạn đọc Mai Nhung:
Giải bài toán xử lý rác cồng kềnh
Ngoài rác thải sinh hoạt thông thường thì xử lý rác cồng kềnh cũng là câu chuyện còn bị bỏ ngỏ.
Năm 2020, UBND TP HCM đã giao cho các công ty dịch vụ công ích xây dựng đề án và tổ chức cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển xây dựng đơn giá và xử lý rác thải cồng kềnh sau khi thu gom. Quận, huyện công bố số điện thoại liên hệ và cách thức thu gom để người dân phối hợp dễ dàng, thuận lợi.
Quy định là vậy nhưng trên thực tế vẫn rất ít trường hợp liên hệ với cơ quan chức năng để xử lý loại rác thải này. Bàn, ghế, giường, tủ, nệm... cũ bị vứt chỏng chơ ở vệ đường, bờ sông là hình ảnh thường thấy. Nghịch lý ở chỗ người dân muốn được đem rác đi vứt thì không có chỗ hoặc chi phí xử lý quá cao. Các đơn vị thu gom lại thiếu trang thiết bị, cơ chế tài chính và nhân lực để thực hiện.
Số liệu Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM thống kê cho thấy khối lượng rác cồng kềnh, rác thải xây dựng thải ra mỗi ngày tại thành phố chiếm khoảng 20% rác thải sinh hoạt. Mỗi ngày TP HCM phát sinh khoảng 9.300 - 9.500 tấn rác, đồng nghĩa có gần 2.000 tấn rác cồng kềnh. Theo kinh nghiệm của một số nước châu Á, như tại Nhật Bản, người dân muốn bỏ rác kích cỡ lớn phải thông báo trước với chính quyền địa phương và thanh toán đầy đủ các khoản vận chuyển, xử lý. Còn Malaysia buộc phải phân nhỏ đồ đạc quá khổ cho vừa thùng rác công cộng...
Để giải quyết bài toán thu gom và xử lý rác thải cồng kềnh, bên cạnh xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, cần có biện pháp căn cơ hơn như tăng số trạm trung chuyển rác, xà bần; bố trí các điểm tập kết ngay gần các khu dân cư, thông báo về cách thức và thời gian, địa điểm thu gom để người dân dễ dàng phối hợp. Nên quy định cụ thể và lên lịch việc thu gom rác vào một ngày cố định trong tuần, đương nhiên phải đóng thêm tiền nhưng có quy định mức đóng một cách rõ ràng, minh bạch. Xây dựng phương án thu gom và xử lý rác thải cồng kềnh, phân cấp theo từng khu vực. Tăng cường hoạt động tái chế, tái sử dụng trước khi chuyển đến các địa điểm xử lý. Ngoài ra, nên huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ cùng các trung tâm hoạt động về môi trường tổ chức những ngày hội thu gom rác, vừa là cách thức thu gom hiệu quả vừa nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác tại nguồn.
Mặt bằng cho thuê trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP HCM) đang tìm chủ mới thì bị biến thành bãi rác. Ảnh: Lê VĩnhBạn đọc Bùi Hồng Nhung:
Người lớn hãy nêu gương!
Giáo dục ở ta vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn và cải cách cho phù hợp nhưng chuyện xả rác không hẳn do giáo dục, bởi những ai đi học cũng đều được dạy giữ vệ sinh chung, môi trường sạch sẽ. Xả rác bừa bãi lắm khi chỉ là thói quen hay tâm lý đám đông, thấy người khác làm thì mình cũng làm theo. Nhiều người mong muốn đất nước, thành phố nơi mình sống phải luôn sạch sẽ và văn minh nhưng uống xong lon nước ngọt lại sẵn sàng vứt vỏ ra đường, ngồi trong quán ăn vứt khăn giấy dưới gầm bàn...
Giữ thành phố sạch đẹp không khó, người lớn hãy nêu gương, chịu khó một chút, thấy rác thì nhặt bỏ vào thùng rác, thấy ai đó xả rác thì nhắc nhở một tiếng... Một gương người tốt, hành động tốt có thể tác động tới nhận thức giúp con người nhìn nhận và hành xử trong đời sống hằng ngày chuẩn mực hơn.
Tất nhiên còn phải có biện pháp chế tài thích hợp đối với các vi phạm xả rác bừa bãi. Ngoài phạt tiền, có thể buộc đi dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng hay đẩy xe rác cho công nhân vệ sinh để thấy ý nghĩa của việc giữ gìn vệ sinh chung, môi trường sạch sẽ. Bên cạnh phạt tại chỗ, gắn camera làm bằng chứng đưa hình ảnh lên cổng thông tin địa phương và phạt nguội, cơ quan chức năng có thể đến nơi làm việc hoặc nhà ở người vi phạm để phạt.
Nên phát hành phiếu thu tiền đổ rác
Chính quyền phường, xã nên phát hành phiếu thu tiền đổ rác. Khi người thu gom rác đi thu tiền, phiếu thu tiền đổ rác được trao cho hộ dân. Phiếu này cần ghi rõ địa chỉ và thời gian trả tiền của từng hộ dân. Ban điều hành tổ dân phố có trách nhiệm kiểm tra phiếu thu tiền đổ rác của các hộ dân trong tổ, hộ nào chưa thực hiện thì bị xử phạt hành chính với mức thu cao gấp 2-3 lần tiền đổ rác.
Để trị dứt điểm các bãi rác tự phát, địa phương nên phân công người túc trực ở đó, lắp thêm đèn chiếu sáng và gắn camera nơi vắng người qua lại. Hiện dưới chân cầu Công Lý (quận 3) có một điểm mua bán vật liệu xây dựng và xà bần, ai cần mua có xe chở tận nơi, ai muốn đổ xà bần, chỉ cần trả phí là được. Nên có thêm các điểm mua bán xà bần như thế. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh cần hạn chế sử dụng đồ nhựa. Tôi vừa đi khám bệnh ở Bệnh viện Quân y 175, thấy bệnh viện chuẩn bị túi giấy thay túi nhựa để người bệnh đựng thuốc, đó cũng là cách làm hay cần nhân rộng.
Bích Chi
Địa phương đã làm gì?
Theo UBND quận Bình Tân, TP HCM, ngoài việc tuyên truyền và ban hành tiêu chí "Khu phố sạch", "Khu phố sạch và xanh", "Khu phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" và "Công trình, giải pháp, sáng kiến xanh", UBND quận Bình Tân đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, tạo thêm kênh tương tác giữa chính quyền với người dân thông qua ứng dụng "Bình Tân công dân số". UBND quận Bình Tân và UBND 10 phường cũng đã triển khai thực hiện đường dây nóng, website; UBND quận chỉ đạo các phòng, ban quản lý nhà nước thực hiện tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức thực hiện cài đặt ứng dụng "Bình Tân công dân số". Đồng thời, phân công một lãnh đạo phường và một công chức tư pháp phường chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các ý kiến phản ánh qua ứng dụng "Bình Tân công dân số" để ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân về các lĩnh vực, trong đó có tiếp nhận phản ánh về ô nhiễm môi trường, xả rác không đúng nơi quy định để kịp thời kiểm tra, xử lý.
Để giám sát, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm vệ sinh nơi công cộng, UBND quận Bình Tân đã chỉ đạo UBND phường triển khai lắp đặt camera giám sát; giao phòng tài nguyên và môi trường, UBND 10 phường kiểm tra, xử lý và thông tin kết quả giải quyết cho người dân.
Trong khi đó, UBND phường 15, quận Gò Vấp, TP HCM cho biết do đặc thù của địa bàn có nhiều khu đất trống, đất ven kênh rạch nên chính quyền rất đau đầu về nạn xả rác trộm. Để giải quyết, phường đã sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc giám sát và lập biên bản các trường hợp vi phạm hành chính về vệ sinh công cộng. Bên cạnh đó, phường 15 còn công khai số điện thoại, tài khoản Zalo của lãnh đạo, cán bộ phụ trách để trực tiếp tiếp nhận và xử lý kịp thời phản ánh của người dân. Người xả rác bừa bãi, đổ rác trộm không chỉ bị phạt tiền mà còn buộc phải khắc phục hậu quả bằng cách làm sạch khu vực đổ rác. Với cách xử lý này, tình trạng xả rác bừa bãi trên địa bàn đã giảm đáng kể, nhiều điểm đen về rác thải cũng được xóa bỏ.
Tương tự, ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, UBND phường Đa Kao, quận 1, TP HCM còn tăng cường xử lý những hành vi vi phạm về môi trường qua camera giám sát. Khi phát hiện trường hợp xả rác bừa bãi, địa phương sẽ cử người đến hiện trường, trước tiên là nhắc nhở, sau đó phạt tiền thông qua hình ảnh đã ghi nhận được.
Đại diện UBND phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TP HCM cho hay tình trạng xả rác ra đường từng gây nhiều bức xúc cho người dân địa phương. Trong đó, người dân không ít lần phản ánh, kiến nghị di dời bãi rác trên đường Tam Bình vì ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân xung quanh. Địa phương đã quyết liệt xử phạt vi phạm hành chính, cải tạo lại bãi rác trên đường Tam Bình nên hiện không còn cảnh ô nhiễm. Theo ông Lê Hữu Hảo, Chủ tịch UBND phường Tam Bình, tình trạng xả rác bừa bãi, đặc biệt là khu vực chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, từng là nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Phường Tam Bình đã thành lập tổ công tác tiến hành tuần tra, chốt trực để lập biên bản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trước Tết Nguyên đán, phường đã xử lý 23 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt 60 triệu đồng. Riêng đầu năm 2022 đến nay, phường đã giữ hành chính giấy tờ xe 10 trường hợp để lập biên bản xử phạt. "Nhìn chung, phường đã làm quyết liệt nên tình trạng xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường trong thời gian qua giảm đáng kể" - ông Lê Hữu Hảo khẳng định.
Hoàng Linh Hưng
Bình luận (0)