Công việc từ thiện phải thường xuyên, liên tục và chú ý quan tâm đến những vùng, miền khó khăn, vùng xa xôi hẻo lánh, vùng thiên tai... ở những nơi đó, người dân đang rất cần những tấm lòng chia cơm, sẻ áo, thuốc chữa bệnh, học hành cho trẻ em... Người làm từ thiện có cái tâm phải chịu cực, xắn quần lội sình đến những vùng quê xa xôi thiếu điện, trèo đèo, leo núi đến với các bản làng dân tộc mới thấy hết cái cực, cái nghèo, cái đói của đồng bào.
Những đóng góp hữu ích của các nhà hảo tâm, các tổ chức... đã phần nào chia sẻ những khó khăn, nghèo khổ đối với người dân, song không phải không có những cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa từ thiện mà không nhân đạo, nhiều khi miệng nói từ thiện nhưng tâm lại nảy ý vụ lợi, mua chuộc lòng tin, mua danh, mua tiếng... gây bất ổn cho xã hội.
Nên chăng Nhà nước cần có chủ trương và quy định phạm vi hoạt động của từ thiện, phải giám sát chặt chẽ để loại trừ các mặt tiêu cực của người lợi dụng danh nghĩa từ thiện và những người ăn chặn của dân. Làm như vậy sẽ tập hợp được những tấm lòng từ thiện, tham gia đóng góp không tiếc sức.
Bình luận (0)