xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm từ thiện sao cho đúng? (*): Thống nhất giữa nhà tài trợ với địa phương

PHAN ANH thực hiện

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Phan Kiều Thanh Hương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh việc "Làm từ thiện sao cho đúng?"

Phóng viên: Thưa bà, để hoạt động từ thiện luôn phát huy được ý nghĩa nhân văn cao đẹp, tránh những ồn ào không đáng có, các nhà tài trợ và bên tiếp nhận cần lưu ý gì trong việc phối hợp?

- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP PHAN KIỀU THANH HƯƠNG: MTTQ Việt Nam các cấp là một trong những tổ chức thực hiện công tác an sinh xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ đó có những quy định từ pháp luật và quy chế hoạt động của từng loại quỹ. Nói điều đó để thấy khi thực hiện nhiệm vụ trong công tác từ thiện phải hướng đến tiêu chí: đúng người, đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh và kịp thời.

Khi thực hiện một hoạt động từ thiện, MTTQ các cấp phải luôn thực hiện công tác khảo sát một cách thường xuyên, liên tục. Phải nghe nhiều phía, nắm bắt nhu cầu để hỗ trợ đúng đối tượng. Ngược lại, đối tượng được hỗ trợ cũng nhận đúng cái mà họ đang thiếu, đang cần. Để làm được điều đó cần có sự thống nhất giữa nhà tài trợ với địa phương.

Làm từ thiện sao cho đúng? (*): Thống nhất giữa nhà tài trợ với địa phương - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Phan Kiều Thanh Hương tặng quà cho người dân dịp Tết nguyên đán năm 2021

Bà có thể chia sẻ cách làm của Ủy ban MTTQ TP trong việc tiếp nhận và phân phối đến các đối tượng được hỗ trợ?

- Thông thường, một năm sẽ có một số đợt vận động để tạo nguồn chăm lo cho người nghèo ở TP thông qua Quỹ Vì người nghèo. Ngoài ra, khi có thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh… gây thiệt hại lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, không chỉ ở TP HCM mà trên cả nước, Ủy ban MTTQ TP sẽ ra lời kêu gọi để các tầng lớp nhân dân cùng hưởng ứng.

Hiện hệ thống MTTQ TP có một số quỹ như: Quỹ Vì người nghèo; Quỹ Cứu trợ; Quỹ Ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19... Khi vận hành một quỹ sẽ có ban vận động, ban quản lý, có quy chế hoạt động được thống nhất từ tập thể. Khi thực hiện chi cũng có những quy định và thủ tục rõ ràng. Nguồn thu và thực hiện chi đều được công khai trên trang thông tin điện tử của Ủy ban MTTQ TP để bảo đảm rõ ràng, minh bạch. Hằng quý, 6 tháng, 1 năm đều có đánh giá, tổng kết; đồng thời báo cáo đến cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan.

Ngoài ra, phải thực hiện đúng yêu cầu của người hỗ trợ. Nếu họ muốn dùng số tiền để chăm lo cho người nghèo thì chuyển cho người nghèo, họ muốn chuyển đến đồng bào bị bão lũ thì phải chuyển, không được tự ý phân bổ. Sau khi trao xong, phải thông tin lại cho người hỗ trợ.

Hiện có rất nhiều cá nhân tự đứng ra kêu gọi, tổ chức các hoạt động từ thiện. Việc làm của họ xuất phát từ tâm tốt nhưng đôi khi cách làm chưa phù hợp. Bà đánh giá như thế nào về việc này?

- Nhiều năm qua ở Việt Nam, hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào sâu rộng, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một việc tốt nhưng nếu không có kế hoạch, không có sự khảo sát, nắm tình hình cụ thể có thể dẫn đến nhiều chuyện không hay, thậm chí là tranh cãi, khiếu nại không đáng có. "Của cho không bằng cách cho". Nếu làm từ thiện không đúng cách sẽ không đem lại kết quả như chúng ta mong muốn.

Tôi nghĩ rằng hệ thống MTTQ cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người có thể tin tưởng hơn nữa và gửi gắm những mong muốn làm từ thiện của mình qua hệ thống MTTQ.

Có cơ chế hợp tác khoa học

Là một trong những người thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện, nhà báo Đỗ Hùng cho rằng việc xác định mục tiêu cụ thể là quan trọng nhất. Theo đó, người làm cầu nối, chuyển tấm lòng của nhà hảo tâm đến người thụ hưởng cần phải trung thành với mục tiêu đề ra, bảo đảm uy tín; tránh việc thay đổi mục tiêu giữa chừng. Nếu trong thực tiễn triển khai cần phải thay đổi mục tiêu và đối tượng thụ hưởng, nhất thiết phải có sự đồng thuận của nhà tài trợ.

Theo ThS Lê Anh Tú - giảng viên Khoa Quan hệ Công chúng và Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang - hoạt động từ thiện luôn chứa đựng giá trị cao đẹp, là nhu cầu chính đáng của nhiều người. Trong phối hợp giữa các bên khi cùng triển khai hoạt động từ thiện cần phải có tiếng nói chung. Nhiều nơi chưa có cơ quan chuyên trách cho các hoạt động cộng đồng - xã hội mà chỉ kiêm nhiệm, do đó cần phải thống nhất cách làm, đối tượng thụ hưởng, thời gian triển khai... thật rõ ràng, minh bạch. Giá trị cốt lõi mà công tác từ thiện hướng tới nên là những ý nghĩa thiết thực giúp ích người thụ hưởng; còn việc truyền thông, xây dựng hình ảnh không nên là ưu tiên hàng đầu.

Anh Nguyễn Trần Trung Hải (ngụ quận 8, TP HCM) góp ý việc phối hợp nhịp nhàng giữa các bên sẽ phát huy được hiệu quả trọn vẹn của công tác từ thiện. Chính quyền địa phương luôn có sự am hiểu tường tận về những người yếu thế, các đối tượng thật sự cần chăm lo; trong khi các nhà tài trợ có khả năng về tài chính để làm việc đó. Một khi có cơ chế hợp tác khoa học, phương pháp hợp lý thì những việc làm tốt càng được lan tỏa, thật sự mang đến lợi ích cho những người cần. Công tác từ thiện được tiến hành đúng cách cũng sẽ làm tăng những hiệu ứng tích cực cho xã hội, làm giàu đẹp thêm niềm tin và tình người.

H.X.Huy


Cần hoàn thiện quy định pháp luật

Dưới góc nhìn của luật sư, tôi cho rằng để hoạt động thiện nguyện bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với quy định pháp luật, cần giải quyết 3 vấn đề.

Thứ nhất, pháp luật hiện hành đã có quy định liên quan đến hoạt động tổ chức, vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Cùng với đó là các chế tài tương ứng nếu có hành vi vi phạm như: cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo; báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp; lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi. Tuy nhiên, các quy định hiện hành còn rất chung chung làm cho hoạt động từ thiện của cá nhân mang tính "tự phát", khó quản lý, khó thực hiện hiệu quả.

Các nhà lập pháp cần lấy ý kiến góp ý, đề xuất, nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật về hoạt động từ thiện. Cụ thể: có những quy định minh thị về hoạt động từ thiện của cá nhân; quy trình, kế hoạch; sự ràng buộc trách nhiệm giữa 3 bên (người làm từ thiện, người nhận từ thiện và cơ quan nhà nước, tổ chức đại diện người dân ở từng địa phương) để tăng cường tính hiệu quả của hoạt động từ thiện; chế tài xử lý... Đây là nội dung rất quan trọng.

Thứ hai, tăng cường mối liên hệ thống nhất giữa người làm từ thiện, người nhận từ thiện và cơ quan, tổ chức đại diện người dân ở địa phương. Từng địa phương cần căn cứ vào quy định pháp luật, tình hình thực tế để xây dựng quy trình, kế hoạch; xem xét, đánh giá và lập danh sách cụ thể các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương hoặc khi diễn ra các sự kiện khách quan như bão, lụt... để có cơ sở hỗ trợ kịp thời; đồng thời dựa vào những quy định, quy chuẩn này áp dụng trong từng vụ việc từ thiện cụ thể.

Khi tiếp nhận và trong quá trình triển khai sau khi nhận được nguồn hỗ trợ từ thiện từ cá nhân, cần có những cam kết, yêu cầu rõ ràng, thống nhất giữa người làm từ thiện và người tiếp nhận; mọi hoạt động liên quan đến việc sử dụng, phân bổ số tiền từ thiện đến các hộ dân cần được ghi nhận qua các văn bản cụ thể, rõ ràng; quản lý, theo dõi sát sao; tăng cường chế độ báo cáo, đánh giá thường xuyên về tiến độ thực hiện, qua đó nhằm minh bạch hóa và bảo đảm tính nhân văn. Đồng thời, cũng có cơ sở để giải quyết trong trường hợp một trong các chủ thể không tuân theo quy trình, có sai phạm trong quá trình tiếp nhận, triển khai, thực hiện công tác từ thiện.

Thứ ba, tăng cường hoạt động hướng dẫn, giám sát của tổ chức có thẩm quyền. Hiện nay, hầu hết các hoạt động từ thiện mang tính tự phát. Bản thân người làm từ thiện chưa có nhiều cơ sở để đánh giá, giúp đỡ đúng người, đúng nơi, nghiêm trọng hơn là xảy ra tình trạng rối loạn, khó quản lý. Do vậy, cần có sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ bởi những những tổ chức chuyên nghiệp làm công tác từ thiện, chính quyền, lực lương chức năng, đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ để kịp thời điều chỉnh, phát hiện, khắc phục và đề xuất xử lý hoặc xử lý các trường hợp vi phạm nếu có.

Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo