Hơn 5 tháng qua, chị Nguyễn Thị Thu, vợ của anh Lê Mạnh Thắng (SN 1974, trú tại Vũ Hòa, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận), chết trong khi làm việc tại Ả Rập Saudi vẫn chưa nhận được xác chồng. Từ Bình Thuận, chị lặn lội ra tận Hà Nội để gặp trực tiếp lãnh đạo Công ty CP Tiến bộ quốc tế (AIC), nơi đưa anh Thắng đi lao động tại Ả Rập Saudi nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Cứ đợi!
Chị Nguyễn Thị Thu mang đơn khiếu nại ra tận Hà Nội đòi xác chồng
Trong đơn gửi các cơ quan báo chí, chị Thu cho biết anh Thắng ký hợp đồng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) làm công nhân xây dựng tại Ả Rập Saudi, thời hạn từ tháng 8 - 2009 đến 8 - 2012 qua Công ty AIC. Trong quá trình làm việc, anh Thắng đã chết vì tai nạn lao động vào ngày 11-7 -2010.
Khi nhận được tin dữ qua những người bạn làm việc cùng chồng, chị Thu gọi điện cho Công ty AIC nhưng công ty cũng không biết gì. Đến lúc này, Công ty AIC mới tìm hiểu thông tin nhưng cũng không cho chị Thu biết nguyên nhân cái chết của chồng chị, bao giờ đưa thi hài anh Thắng về... Cuối tháng 11-2010 công ty thông báo qua điện thoại cho chị Thu ra sân bay Nội Bài để nhận xác chồng. Tuy nhiên, đến ngày theo thông báo, công ty lại hẹn đến ngày 3-12. Đến hẹn, chị lại nhận được thông báo “có trục trặc do hãng hàng không Ả Rập Saudi chưa sắp xếp được chuyến bay phù hợp”.
Anh Thắng là trụ cột trong gia đình. Bố mẹ anh đã già, con anh mới 8 tuổi, trong khi chị Thu lại bị bệnh tim. Sau khi anh Thắng đi XKLĐ, chị Thu phải điều trị bệnh tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), chờ ngày mổ. Chị Thu cho biết: “Từ ngày chồng tôi mất, Công ty chưa một lần đến thăm hỏi, động viên gia đình. AIC cũng không có văn bản chính thức nào thông báo cho gia đình tôi được biết”.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Tích, Trưởng Phòng Pháp chế Công ty AIC, xác nhận anh Thắng bị tai nạn chết và thi thể chưa được đưa về nước. Anh Thắng tử vong không rõ nguyên nhân nên cảnh sát nước sở tại phải tiến hành điều tra. Tuy nhiên, tháng 9 là tháng Ramadan nên mọi giao dịch bị gián đoạn vì đây là tháng ăn kiêng của người Hồi giáo. Song đến cuối tháng 10, khi nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Thắng được xác định là do ngã giàn giáo khi đang làm việc thì công ty cũng chưa đưa được thi hài anh Thắng về nước. Bà Nguyễn Thị Tích cho rằng để đưa thi hài anh Thắng về phải quá cảnh Hồng Kông. Cơ quan hàng không Ả Rập Saudi chưa sắp xếp được chuyến bay.
Trước tổn thất không gì bù đắp được của người lao động, bà Nguyễn Thị Tích lại nói: “Có điện thoại báo là lao động tử vong thì cần gì đến thông báo nữa. Từ xưa đến nay chúng tôi không đến nhà để viếng, chỉ khi nào đưa thi hài về chúng tôi mới đến. Gia đình cứ làm rối lên cũng chẳng giải quyết được việc gì cả... Công ty chúng tôi không phải vô trách nhiệm mà nguyên nhân là do phía đối tác”.
Điều đáng nói là vụ việc xảy ra từ tháng 7 song đến ngày 6-12, Công ty AIC mới có Công văn số 1138/AIC-NVXKLD gửi Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB-XH, Đại sứ quán VN tại Ả Rập Saudi, Cục Quản lý Lao động ngoài nước để nhờ các cơ quan trên giúp đỡ, đưa thi hài anh Thắng về nước. Theo thông tin về phía Công ty AIC, công ty đã đưa khoảng 200 lao động sang Ả Rập Saudi làm việc nhưng không có người đại diện tại nước này.
AIC thiếu trách nhiệm
Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), đã có công văn ngày 24-12, yêu cầu Công ty AIC khẩn trương liên hệ, làm việc với đối tác và phối hợp với cơ quan liên quan đưa thi hài và tài sản của người quá cố về nước, phù hợp với nguyện vọng của gia đình, pháp luật. Công ty cũng phối hợp với đối tác, chủ sử dụng lao động, thanh toán đầy đủ tiền lương, thưởng, phụ cấp và các chế độ khác. Mặt khác, công ty cũng phải có văn bản chính thức trả lời gia đình người lao động về việc này. Cục yêu cầu AIC giải quyết vụ việc và báo cáo kết quả trước ngày 28-12. Tuy nhiên, đến tối 29-12, chị Thu cho biết gia đình vẫn chưa nhận được công văn của AIC cũng như thông báo về việc đưa xác anh Thắng về. |
Bình luận (0)