Hai toa tàu thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đặt tại depot Long Bình (TP Thủ Đức, TP HCM) bị xịt sơn, vẽ bậy với nhiều hình thù khác nhau tương tự phong trào graffiti (vẽ tranh đường phố) khiến dư luận bức xúc.
Nỗi ám ảnh của người dân
Tình trạng viết, vẽ bậy xảy ra tràn lan trên địa bàn TP HCM. Dọc các tuyến đường không khó bắt gặp tủ điện; bức tường bệnh viện, công sở, nhà dân; thành cầu, dạ cầu, trạm xe buýt... bị xịt sơn, vẽ bậy gây mất mỹ quan đô thị. Điển hình trên đường Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Bá, Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức); Hoàng Sa, Trường Sa (quận 3)… chi chít nét vẽ nguệch ngoạc, hình mặt người, bàn tay. Thậm chí nhiều nơi phải đặt biển cấm vẽ bậy nhưng vẫn không có tác dụng.
Đưa tay chỉ về bức tường "không giống ai", chị Phạm Tường Vi (ngụ TP Thủ Đức) nói: "Muốn vẽ thì cũng cần phải đúng nơi đúng chỗ, phải xin phép thì sáng tạo mới có giá trị. Bức tường mới sơn sạch tinh tươm, sau một đêm chằng chịt nét vẽ, với đủ hình thù kỳ dị, ai mà không bức xúc? Tôi cho rằng đó là hành vi phá hoại".
Bình luận về việc vẽ bậy lên 2 toa tàu thuộc tuyến metro số 1, bạn đọc Nguyễn Phương Hà viết: "Tôi thật sự ngán ngẩm với những người tự xưng là họa sĩ đường phố. Từ tủ điện, ghế đá đến bức tường, thậm chí nhiều cửa cuốn mới làm, đang rất đẹp, họ cũng vẽ bậy không tha. Không biết họ đam mê cái gì mà nhẫn tâm bôi bẩn đường phố như thế? Đẹp thì cũng phải đặt đúng chỗ mới đẹp".
Bức xúc không kém, ông Trần Ngọc Toàn (ngụ quận Gò Vấp) đề xuất: "Việc vẽ bậy lên tường hay ở những nơi công cộng đã trở thành nỗi ám ảnh với người dân thành phố. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần có giải pháp để buộc những người có hành vi phá hoại này phải bồi thường thỏa đáng (ví dụ buộc trả lại hiện trạng ban đầu, buộc lao động công ích) và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Những hình vẽ graffiti bôi bẩn dạ cầu Nguyễn Hữu Cảnh (TP HCM) - Ảnh: Thanh Tú
Dự án “Chung tay đánh bay Covid-19” - Ảnh: Lê Long
Sẽ giúp ích nếu vẽ đúng chỗ
Theo lời anh Lê Long, một nghệ sĩ graffiti, graffiti Việt Nam hiện còn mới mẻ nên các bạn trẻ chưa định hướng cho ra những tác phẩm ý nghĩa. Họ thường vẽ nhanh gọn hoặc vẽ chữ ký lên các không gian công cộng. Trong mắt mọi người, hành vi đó là phá hoại, vẽ bậy.
"Một tác phẩm graffiti có ý nghĩa phải kèm theo thông điệp thiết thực, mang hơi thở cuộc sống, biến đường phố trở thành không gian triển lãm ngoài trời thay vì những mảng tường cũ, rong rêu. Năm ngoái, thời điểm tâm dịch Covid-19, dự án "Chung tay đánh bay Covid-19" qua dòng chữ "Stay strong - Let’s stay home" do tôi thực hiện tại khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông, TP Hà Nội) với ý nghĩa mọi người cùng chung tay góp sức sẽ chiến thắng đại dịch đã được người dân đón nhận nồng nhiệt" - anh Lê Long chia sẻ.
Anh Đỗ Thế Thành - 31 tuổi, nghệ sĩ graffiti Hà Nội - cho biết thêm graffiti Việt Nam đang dần phát triển, các nghệ sĩ bắt đầu sử dụng đa chất liệu và trau chuốt hơn các sản phẩm nghệ thuật của mình trong các dự án, triển lãm cộng đồng.
"Những dự án tôi đã thực hiện được mọi người đón nhận vui vẻ, vì làm đẹp cho đường phố, biến những bức tường ẩm mốc, cũ kỹ, chằng chịt khoan cắt bê-tông trông trở nên vui mắt, đầy sức sống hơn. Những thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm là mong muốn mọi người nhìn nhận graffiti cũng là một bộ môn nghệ thuật thị giác, làm đẹp và thân thiện".
Hơn 10 năm hoạt động trong giới graffiti, anh Thành phỏng đoán việc 2 toa metro bị vẽ bậy có khả năng do người nước ngoài vẽ, tương tự việc đã xảy ra ở tàu Cát Linh - Hà Đông năm 2017. "Do một số người hoạt động không đúng nơi, đúng chỗ đã làm cho mọi người có cái nhìn không thiện cảm với bộ môn nghệ thuật này. Thật ra có nhiều nghệ sĩ đang cố gắng đưa graffiti trở thành bộ môn nghệ thuật chân chính" - anh Thành cho biết thêm.
Còn anh Ôn Văn Thắng (thành viên nhóm Sắc Màu Yêu Thương) kể 6 năm qua, nhóm Sắc Màu Yêu Thương đã tìm đến các điểm trường cũ ở vùng sâu, vùng xa để tô mới, sơn và vẽ lại những bức tường cũ cho các trường mầm non, tiểu học với nhiều hình ảnh đầy màu sắc, ý nghĩa dành tặng các em nhỏ nơi đây. "Những hình ảnh chúng tôi vẽ rất gần gũi ký ức trẻ thơ như cây cỏ, câu chuyện cổ tích… Qua đó làm mới và truyền tải thông điệp yêu thương đối với các em" - anh Thắng chia sẻ.
Có thể xử lý hình sự
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM), việc vẽ, xịt sơn lên những công trình công cộng có thể bị xử phạt hành chính, dân sự hoặc hình sự. Tùy tính chất, hậu quả mà có thể xử lý về tội hủy hoại tài sản.
"Qua hành vi trên cho thấy người trẻ đang thiếu những sân chơi, những cuộc thi vẽ nghệ thuật. Nhà trường và xã hội cần quan tâm đến lĩnh vực này để tạo điều kiện cho mọi người phát huy khả năng sáng tạo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật, ý thức tôn trọng các công trình công cộng. Riêng việc vẽ bậy lên toa tàu metro, cần đặt ra trách nhiệm đối với đơn vị được giao giám sát, quản lý tài sản" - luật sư Trần Minh Hùng nói.
Bình luận (0)