Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, quốc tế và ảnh hưởng sâu, rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vấn đề quản trị nhà nước, trong đó việc xây dựng chính quyền số (CQS) là yêu cầu cấp thiết ở các địa phương hiện nay, cần phải được tập trung với tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Cơ hội và thuận lợi
Nội hàm chuyển đổi số (CĐS) rất rộng và đa dạng nhưng có chung một số nội dung chính gồm: chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, quản trị số…
Xây dựng CQS đòi hỏi các cấp chính quyền phải thay đổi tư duy quản lý từ người "lái thuyền" sang người "chèo thuyền" định hướng, dẫn dắt doanh nghiệp và người dân áp dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ (KH-CN) trong quá trình giải quyết công việc trên môi trường số.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước. Điển hình Quyết định 1726/QĐ-BTTTT, ngày 12-10-2020, của Bộ Thông tin và Truyền thông về phê duyệt Đề án "Xác định bộ chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của quốc gia" là chiến lược tổng thể, đưa ra được tầm nhìn, mục tiêu, trách nhiệm triển khai các nội dung theo một lộ trình, bảo đảm việc thực hiện được đồng bộ, kế thừa, kết nối, được xem là một bước ngoặt quan trọng của công cuộc CĐS nói chung và phát triển CQS nói riêng.
Cán bộ Bảo hiểm Xã hội TP HCM tiếp nhận hồ sơ online Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TP HCM cũng đã ban hành Quyết định 2393/QĐ-UBND, ngày 3-7-2020, về phê duyệt chương trình "CĐS của thành phố"; Quyết định 572/QĐ-UBND, ngày 23-2-2021, về phê duyệt Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển CQS và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định 392/QĐ-UBND, ngày 3-2-2021, về phê duyệt Chương trình triển khai Đề án Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh đến năm 2025; Quyết định 944/QĐ-UBND, ngày 31-3-2022, về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo về CĐS của thành phố trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc thực hiện Đề án Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh và Ban Chỉ đạo và Tổ Giúp việc xây dựng Chính quyền điện tử TP HCM…
Những quyết định trên đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của thành phố, bước đầu định hướng hành lang pháp lý cho các sở, ban ngành xây dựng đề án, chương trình lồng ghép các nội dung của CĐS trong hoạt động của mình phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Những thành tựu mà thành phố đã đạt được trong thời gian qua đó là năm 2021, kết quả chỉ số CĐS (DTI) của thành phố tăng 2 bậc so với năm 2020, vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc. Nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai CĐS, thành phố đã triển khai 4 nền tảng quan trọng gồm: nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP); nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu; nền tảng số quản trị tổng thể; nền tảng họp trực tuyến…
Tuy nhiên, kết quả triển khai các nhiệm vụ về CQS còn rất chậm và việc thực hiện còn mang tính hình thức. Việc xây dựng triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng CNTT làm nền tảng phục vụ phát triển chính phủ điện tử rất chậm so với tiến độ đặt ra; các hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu; chất lượng dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời, chính xác; nhiều hệ thống thông tin đã triển khai chưa bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Tỉ lệ hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp; chưa phát huy tối đa sự tham gia của các bên có liên quan… Hơn nữa, trong thực tế nhận thức và áp dụng; cơ sở pháp lý và những yêu cầu đặt ra về thể chế, khung pháp lý, cơ cấu tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, khả năng ứng dụng KH-CN đang là những vấn đề nan giải trong xây dựng CQS ở thành phố hiện nay.
Thúc đẩy xây dựng chính quyền số
Rào cản lớn nhất đối với sự chuyển đổi nói chung và CĐS nói riêng chính là tư duy và thói quen cũ. Muốn hướng đến xây dựng Chính phủ số thành công thì phải xuất phát từ quyết tâm và sự vào cuộc từ những người đứng đầu tổ chức. Ngoài ra, có một số tổ chức và cá nhân đang hiểu sai việc xây dựng CQS dẫn đến cách làm chưa đúng. Cần có đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức ở từng cá nhân, tổ chức. Vì vậy, Sở Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các khóa đào tạo, tập huấn giới thiệu kiến thức cơ bản về CĐS cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức thành phố; trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực CĐS.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng CĐS, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số.
Chú trọng đào tạo, phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ số, đặc biệt là các chuyên gia công nghệ số trong và ngoài nước về khởi nghiệp, làm việc tại Việt Nam. Ngoài ra, các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn phải đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình giáo dục đào tạo theo hướng phát triển tư duy sáng tạo, thích ứng với môi trường KH-CN phát triển, đưa vào chương trình giáo dục phổ thông các nội dung kỹ năng số. Có cơ chế khuyến khích đối với các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo về công nghệ số, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực và chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số. Đặc biệt, an toàn thông tin phải là ưu tiên hàng đầu.
Bình luận (0)