Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước với nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao…, nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại TP HCM là rất lớn, nhất là ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Tuy nhiên, hiện mức cung của phân khúc này còn hạn chế do chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Cần sửa Luật Nhà ở
Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, theo tôi, phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỉ lệ cao nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc cao cấp chỉ nên chiếm tỉ lệ nhỏ nhất.
Trên cơ sở thực trạng đang diễn ra ở TP HCM, để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, xin kiến nghị một số giải pháp để tăng nguồn cung.
Trước hết, đề nghị sửa Luật Nhà ở quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp với đầy đủ tiện ích, dịch vụ và kết nối giao thông thuận tiện. Quá trình đô thị hóa càng nhanh, lượng cư dân ở đô thị lớn như TP HCM cũng tăng cao chóng mặt. Việc luật hóa không theo kịp nhu cầu của thực tế cần phải sửa đổi đang là yêu cầu tiên quyết, cần phải làm rốt ráo ngay.
Nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại TP HCM rất lớn, nhất là ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở giá phù hợp thu nhập của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp với mức ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng bằng khoảng phân nửa mức ưu đãi dành cho nhà ở xã hội.
Cụ thể áp dụng ở TP HCM như: Miễn tiền sử dụng đất; được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; cho vay ưu đãi lãi suất thấp; chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…
Tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê
Để có nguồn vốn mồi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần bố trí vốn ưu đãi nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cần ưu tiên cho TP HCM nguồn vốn đủ lớn nhằm bơm vào Ngân hàng Chính sách xã hội để các đối tượng khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua, xây dựng, sửa chữa nhà ở và cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại do nhà nước chỉ định để hỗ trợ các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và đối tượng cá nhân được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay theo quy định.
Chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh gói 15.000 tỉ đồng, trước hết là hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân - lao động. Nhưng một phần của gói hỗ trợ 15.000 tỉ đồng sẽ có thể bị "ế" do thiếu dự án nhà ở xã hội dẫn đến thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, vì vậy đề nghị bổ sung đối tượng chủ nhà trọ được vay ưu đãi để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà trọ, phòng trọ cho công nhân - lao động thuê.
Do ngân sách nhà nước để lại cho TP HCM có hạn, nên chăng thành phố chỉ tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Đối với nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hóa để doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Nắm được thế mạnh của mỗi bên để phát triển bền vững, gắn kết nhà nước và tư nhân cùng thúc đẩy kinh tế thành phố đi lên.
Hiện quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân đang rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại, đề nghị tháo gỡ vướng mắc để động viên doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp cũng nên được phép đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ nhằm tăng nguồn cung cho thị trường và thêm nhiều sự lựa chọn cho người dân.
Việc phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý, của xã hội, của các doanh nghiệp và của người dân. Rất mong với vị thế đầu tàu kinh tế, TP HCM sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu an cư lạc nghiệp cho người dân trong một ngày không xa.
Mời tham dự cuộc thi
Mục tiêu của TP HCM giai đoạn 2021-2025 là xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội.
Vì thế, chủ đề của cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 4 là "Chỗ ở và nhà ở cho người có thu nhập thấp" nhằm thu hút nhiều hiến kế, góp ý trên nhiều góc độ, khía cạnh; qua đó giúp TP HCM sớm tìm ra giải pháp tốt nhất nhằm đạt mục tiêu rất nhân văn này.
Yêu cầu bài hiến kế tối đa 1.500 từ. Khuyến khích tác giả gửi kèm bản thuyết trình, bản vẽ thiết kế, mô hình... Bài gửi dự thi phải là bài viết mới hoàn toàn, chưa đăng/ phát trên bất kỳ ấn phẩm hay trang mạng nào; cũng không được đăng mạng xã hội trước khi gửi dự thi.
Mỗi người được gửi dự thi tối đa 3 tác phẩm.
Giải thưởng:
1 giải nhất 50 triệu đồng; 1 giải nhì 30 triệu đồng; 1 giải ba 20 triệu đồng; 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.
Nhận bài từ ngày 5-10-2022 đến hết ngày 30-6-2023.
- Bài dự thi, bản vẽ thiết kế, mô hình... gửi qua email: bandoc@nld.com.vn; hoặc gửi về: Tòa soạn Báo Người Lao Động, 123-127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM; ĐT: 0283.9303269. Ngoài bì thư ghi gõ: Bài tham gia cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 4.
Bình luận (0)