Vấn đề nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp đến nay vẫn luôn là mối quan tâm của chính quyền lẫn người dân. Nhu cầu lớn nhưng số lượng nhà ở xã hội được xây dựng lại khá khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là thiếu vốn hoặc người có vốn chưa muốn đầu tư nhà ở xã hội.
Được lợi nhiều
Vấn đề ở đây không hoàn toàn nằm ở cơ chế chưa cởi mở mà là làm sao để lượng tài chính đổ vào các dự án nhà ở xã hội. "Có bột mới gột nên hồ", điều kiện cần chính là tìm ra nguồn vốn để xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến việc thu hút nguồn tiền của nước ngoài vào đầu tư nhà ở xã hội ở Việt Nam?
Khó khăn là ở chỗ người nước ngoài có tâm lý "ngại" làm những dự án mà ngay cả người Việt Nam cũng "dè chừng" do lợi nhuận không cao và thủ tục phức tạp, kéo dài, dẫn đến thu hồi vốn chậm chứ chưa nói gì đến có lãi. Tuy nhiên, nguồn vốn từ nước ngoài cũng có sự khác biệt với nguồn vốn trong nước, bởi tiền của họ rất dồi dào, lại có xu hướng không đặt nặng mục tiêu có lãi để thâm nhập thị trường, tiến đến chiếm lĩnh thị trường.
Nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp đến nay vẫn luôn là mối quan tâm của chính quyền lẫn người dân Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chúng ta cần dần giảm bớt suy nghĩ "ngại" cho người nước ngoài vào đầu tư dự án nhà ở xã hội, bởi bản chất vẫn là thực hiện dự án xây dựng nhưng khác nhau ở chỗ yếu tố nước ngoài thì cần phải cẩn trọng vì một số lý do về an ninh. Dù vậy, chúng ta sẽ được lợi nhiều nếu như cho người nước ngoài đổ vốn vào nhà ở xã hội ở nước ta nói chung và TP HCM nói riêng. Đó là kinh nghiệm phát triển, kinh nghiệm quản lý và kiến thức phong phú với bất động sản. Các nước phát triển đã có thời gian dài làm nhà ở xã hội, đó là tiền đề để dự án do nước ngoài đầu tư sẽ có chất lượng, giá thành và vận hành tốt.
Việc kéo vốn nước ngoài vào đầu tư nhà ở xã hội còn đem lại cái lợi cho người dân mua nhà. Do có nguồn vốn dồi dào, họ sẽ cho người mua vay với lãi suất ưu đãi hoặc có thêm ưu đãi cho người mua nhà sau khi chuyển đến sinh sống. Chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng cũng như cách thức quản lý khu nhà cũng đem lại sự yên tâm cho cư dân.
Một ưu điểm nữa chính là minh bạch thông tin, quản lý hệ thống nhà ở xã hội. Họ sẽ làm chặt từ khâu rà soát, sàng lọc hồ sơ mua nhà để quyết định sẽ cho vay bao nhiêu với lãi suất bao nhiêu, cân nhắc đến khả năng và ý định thực tế của người mua. Do đó, người thu nhập thấp, thực sự có ý định mua nhà ở xã hội sẽ được xét đúng đối tượng, không để lọt nhiều trường hợp không đúng dẫn tới bất cập.
Ưu đãi cho nhà đầu tư
Để thực hiện được việc thu hút mạnh nguồn vốn từ nước ngoài đầu tư xây nhà ở xã hội, cần thiết phải thành lập những liên doanh vững chắc. Nếu phía nước ngoài là bên lo nguồn tài chính, công nghệ xây dựng thì liên doanh Việt Nam sẽ lo về phần quỹ đất và các thủ tục pháp lý.
Các liên doanh này sẽ bảo đảm mở đường cho nguồn vốn nước ngoài đổ vào đầu tư xây nhà ở xã hội. Sau khi nhà ở xã hội được hoàn thành, việc quản lý sẽ do hai bên kết hợp đảm nhận. Như vậy, kinh nghiệm quản lý của phía nước ngoài và sự am hiểu địa phương của phía Việt Nam sẽ được phát huy.
Một giải pháp khác cần tính đến là các biện pháp ưu đãi về lãi suất, về sự thông thoáng trong tiền sử dụng đất cũng như thuế đất. Để kéo được tiền của nước ngoài vào Việt Nam, từng địa phương cần có thêm các ưu đãi cho nhà đầu tư. Với TP HCM, nếu vẫn còn quỹ đất thì cần hỗ trợ cho nhà đầu tư nhưng không được trái pháp luật. Các cơ chế khác cũng cần hỗ trợ là về kiến trúc, như mật độ xây dựng, số tầng…
Vấn đề khác cần quan tâm là kêu gọi nguồn vốn nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Chúng ta có thể có cơ chế ưu đãi cho chính những doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội cho công nhân của họ, nhất là các khu công nghiệp trọng điểm của TP HCM như Hiệp Phước, Tân Tạo, Vĩnh Lộc, Đông Nam…
Cùng với đó, chú trọng đến việc giảm giá thành, bán nhà ở xã hội với giá hợp lý cho công nhân. Sản phẩm cần được kết hợp giữa vốn, kinh nghiệm xây dựng và quản lý của nước ngoài với nhà thầu trong nước.
Hỗ trợ thêm đối tượng chính sách
Cũng cần lưu ý để các đối tượng chính sách tiếp cận được sản phẩm nhà ở xã hội do nước ngoài đầu tư. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng này có thể tiếp cận được nhà ở xã hội. Ngoài mức hỗ trợ của nhà nước, cần khuyến khích nhà đầu tư ưu tiên, hỗ trợ thêm cho các đối tượng này. Như vậy, nhà ở xã hội vừa đáp ứng nhu cầu thực tế vừa có ý nghĩa với xã hội.
Bình luận (0)