Văn hóa, thể thao là lĩnh vực quan trọng, góp phần vào kinh tế thành phố cũng như tác động vào nhiều mặt của đời sống người dân. Nhu cầu văn hóa, thể thao của đô thị hơn 10 triệu dân là rất lớn, tuy nhiên thực trạng về hạ tầng các cơ sở văn hóa, thể thao đang bị quá tải và xuống cấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Nhiều khó khăn, thách thức
TP HCM hiện có 185 di tích đã được xếp hạng (tập trung vào các loại hình: di tích khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật và di tích lịch sử), 100 công trình địa điểm thuộc danh mục kiểm kê. Từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn thành phố đã đầu tư bố trí kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo khoảng 1.000 tỉ đồng với khoảng 40 di tích.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều di tích xuống cấp, chưa được tu bổ, tôn tạo đúng mức. Cùng với đó, hiện nay nhiều công trình thể thao do nhà nước quản lý (sân vận động, nhà thi đấu đa năng, hồ bơi…) đã xuống cấp, trang thiết bị tập luyện cũng cần được nâng cấp, sửa chữa; nhiều dự án công trình thể thao chuyên nghiệp như khu liên hiệp thể dục thể thao chưa được đầu tư mới, đúng mức.
TP HCM hiện có 185 di tích đã được xếp hạng. Trong ảnh: Chùa Giác Lâm, quận Tân Bình Ảnh: TẤN THẠNH
Nhu cầu lớn nhưng vốn đầu tư công chưa thể đáp ứng đủ. Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng phát triển cơ sở vật chất của ngành văn hóa và thể thao, TP HCM đã kêu gọi thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Thực tiễn về tình hình các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích, di sản văn hóa hiện đang gặp nhiều khó khăn. Các dự án của ngành văn hóa và thể thao đang trong quá trình triển khai thực hiện, hoàn chỉnh trình cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Tuy nhiên, tất cả dự án của ngành đều dừng thực hiện do Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội thông qua năm 2020 (điều 4 - lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án) không cho phép các dự án mới thuộc lĩnh vực văn hóa và thể thao được áp dụng thực hiện.
Theo nhu cầu phát triển cơ sở vật chất ngành văn hóa và thể thao giai đoạn 2021 - 2025 đề xuất gồm 98 dự án, tuy nhiên chỉ có 28 dự án được ghi vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để lập nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.
Mục tiêu, nhiệm vụ phát triển hệ thống thiết chế ngành văn hóa và thể thao thành phố đề ra theo hướng đa năng, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế nhưng trong tình hình nguồn lực tài chính đầu tư còn thấp, trong khi cơ chế thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư không được áp dụng thực hiện. Đó là khó khăn rất lớn cho ngành để đạt được mục tiêu đề ra.
Áp dụng đầu tư theo phương thức PPP
Trong dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, thành phố đã đề xuất được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa.
Đây có thể xem là phương thức phù hợp, có thể giúp thành phố tập trung vào giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt hiện tại; ưu tiên đầu tư PPP đối với các dự án quan trọng, tăng cường huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa, thể thao.
Cụ thể, về lĩnh vực đầu tư, cho phép thành phố được thực hiện đầu tư theo phương thức PPP vào lĩnh vực văn hóa, thể thao đối với các dự án có quy mô tối thiểu nằm ở nhóm C, khoản 4 điều 10 Luật Đầu tư công năm 2019 (dưới 45 tỉ đồng).
Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho nhà đầu tư
Đối với các dự án trọng điểm, quan trọng về văn hóa, thể thao, cho phép UBND TP HCM được quyền xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo điều 40 Luật PPP và điều 26 Luật Đấu thầu.
Về phân cấp ủy quyền, bổ sung nội dung cho phép thành phố được thực hiện việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức. Cụ thể, đối với dự án có quy mô nằm ở nhóm B theo khoản 4 điều 10 Luật Đầu tư công năm 2019, giao UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức thẩm quyền thực hiện việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; ký kết hợp đồng dự án PPP và triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP.
Đối với dự án có quy mô nằm ở nhóm C theo khoản 4 điều 10 Luật Đầu tư công năm 2019. Theo đó, với dự án công lập, giao UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức thẩm quyền thực hiện các bước trong quy trình thực hiện dự án PPP gồm lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư, công bố dự án; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án; lựa chọn nhà đầu tư; ký kết hợp đồng dự án PPP4 và triển khai thực hiện hợp đồng dự án PPP. Thành phố sẽ xây dựng quy trình cụ thể để áp dụng thống nhất.
Với dự án PPP do nhà đầu tư đề xuất, giao UBND quận, huyện và TP Thủ Đức thẩm quyền xem xét chấp thuận việc nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Thành phố là trung tâm về nhiều mặt của cả nước và có hoạt động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; vì vậy, là nơi hội tụ các nguồn lực và cũng là nơi các nguồn lực có khả năng phát huy hiệu quả đáng kể.
Để thu hút hiệu quả khu vực tư nhân tham gia phương thức PPP, thành phố cần được chủ động, linh hoạt hơn trong thẩm quyền xây dựng quy trình thủ tục để triển khai. Khi ý tưởng lớn này được đi vào thực thi, với số lượng dự án lĩnh vực văn hóa, thể thao được kêu gọi thành công theo phương thức PPP, TP HCM phố có thể cởi bỏ những nút thắt, điểm nghẽn về huy động các nguồn lực; tiếp tục khơi dậy, lan tỏa tích cực tinh thần đóng góp vào nỗ lực chung của cả nước.
Bình luận (0)