Hệ thống sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc với khoảng 2.000 km đã tạo nên diện mạo đặc trưng, vẻ đẹp cảnh quan khác biệt cho TP HCM. Cảnh quan sông nước này từng được xem là "mặt tiền" của Sài Gòn xưa.
Phát triển đô thị nhiều mục tiêu
Quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế dù qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng đều nương theo yếu tố tự nhiên đặc thù sông nước. Ngày nay càng nên tận dụng lợi thế đó để xây dựng đô thị, giải quyết kẹt xe và ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí, giảm nóng bức trong đô thị; đồng thời giúp khai thác, thu hút du lịch, phục hồi và phát triển kinh tế.
Nhắc đến môi trường sông nước, không thể thiếu các bến đã thành tên gọi quen thuộc và trở thành ký ức của nhiều thế hệ, như Bến Nghé, Bến Thành, Bến Bạch Đằng, Bến Nhà Rồng, Bến Chương Dương, Bến Bình Đông... Dấu tích vẫn còn dễ thấy như Bến Bình Đông và kênh Tàu Hũ (quận 8) thường đón những tàu thuyền từ miền Tây lên thành phố chở hàng, buôn bán, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.
Những kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm được cải tạo, chỉnh trang đã tạo diện mạo mới cho cảnh quan và môi trường trong khu vực. Dẫu vậy vẫn còn nhiều nơi cần cải tạo, chỉnh trang với 25 dự án. Trong đó có những dự án trọng điểm được liệt kê như cải tạo kênh Hy Vọng, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh… Biết rằng rất tốn kém, mất nhiều thời gian nhưng là việc trước sau gì cũng phải làm, làm càng sớm càng lợi.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nên chăng lồng ghép cải tạo, chỉnh trang này hướng đến xây dựng đô thị sông nước đa chức năng. Tin rằng với giải pháp phù hợp, nỗ lực lớn từ chính quyền sẽ thành công.
Nạo vét kênh, rạch và xây bờ kè bảo vệ. Giải tỏa thêm mỗi bên từ 200 - 500 m phục vụ tái định cư tại chỗ hoặc nhận tiền đền bù tùy người dân lựa chọn. Làm tuyến đường hai bên, công viên, chiếu sáng, nhà vệ sinh, chỗ gửi xe... Nơi sinh hoạt cộng đồng có các tiện ích ghế ngồi, wifi, camera an ninh... Chỉ tính phần làm công viên cũng giúp tăng đáng kể mảng xanh, góp phần hoàn thành mục tiêu có 10 triệu cây xanh cho thành phố.
Tùy khu vực tạo điểm nhấn cảnh quan sông nước, thiếu cây xanh thì làm mái che nắng mưa bằng hệ thống năng lượng mặt trời - vừa phục vụ người dân vừa tạo ra điện chiếu sáng đường phố, hệ thống đèn tín hiệu, bù đắp phần sự hao hụt và giảm tải điện cho TP HCM.
Trong dự án có quy hoạch các chức năng đời sống xã hội như chợ, trường học, ngân hàng, tôn giáo, cơ sở y tế… Hệ thống thoát nước hiện đại để chống ngập, kịp giải quyết mọi cơn mưa lớn nhỏ. Nơi thu gom và xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường tự nhiên.
Xây dựng quỹ nhà tái định cư tại chỗ, người dân bị ảnh hưởng do dự án cũng được hưởng cơ sở hạ tầng nơi đó. Kêu gọi xã hội hóa, nhà đầu tư được khai thác quỹ đất và các dịch vụ có liên quan thương mại, kinh doanh, mua bán để hòa vốn và có lợi nhuận rồi tái đầu tư.
Kênh rạch nhiều cần xây thêm cầu đi bộ. Ngoài việc phục vụ giao thông, nên có những cây cầu mang tính thẩm mỹ cao, thiết kế độc đáo và chiếu sáng nghệ thuật để làm đẹp cảnh quan sông nước về đêm… Đây còn xem là nơi lý tưởng cho người dân hóng mát, dạo bộ hai bên bờ, tình nhân hẹn hò như cầu Ánh Sao ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7).
Kết nối giao thông thủy và thu hút du lịch
Có lẽ nhiều người đi buýt đường sông Sài Gòn từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Linh Đông (TP Thủ Đức) và ngược lại đều mong có thể đi tiếp hành trình. Chẳng hạn từ sông Sài Gòn được đi tiếp qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào quận 3, Tân Bình để ra sân bay Tân Sơn Nhất. Từ đây qua các kênh: Đôi, Tẻ, Bến Nghé, Tàu Hũ…
Ngoại thành cũng có mật độ kênh rạch dày đặc, cùng với hệ thống kênh cấp 3 - 4 kênh Ðông (huyện Củ Chi) và kênh An Hạ, kênh Xáng (huyện Bình Chánh) thuận lợi cho giao thông thủy. Xa hơn nữa, kết nối giao thông thủy với các địa phương khác. Sông Sài Gòn ngoài việc len lỏi trong lòng đô thị còn đi qua nhiều địa phương Tây Ninh, Bình Dương giáp với sông Đồng Nai, Soài Rạp và kết nối ĐBSCL sẽ ấn tượng nếu người dân được đi lại bằng giao thông công cộng buýt đường sông, canô lướt sóng.
Những dòng sông này có bề rộng và chiều sâu khá lý tưởng để tổ chức các hoạt động thể thao bơi lội, lướt ván, đua thuyền, hoa đăng, nhạc nước... Xây dựng sân khấu nổi để tổ chức sự kiện, giao lưu, biểu diễn nghệ thuật nhằm tạo thêm sự đa dạng.
Đồng thời kết nối giao thông thủy với các điểm du lịch. Chỉ một đoạn sông Sài Gòn qua nội thành đã có hàng loạt điểm đến như bến Bạch Đằng, cột cờ Thủ Ngũ, tượng Trần Hưng Đạo, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Công viên Ba Son, Bến Nhà Rồng, cảng Sài Gòn... Dọc sông còn có khu đô thị Bình Quới, Khu Du lịch Văn Thánh và ngoại thành có Di tích lịch sử Củ Chi, Ngã ba Giồng ở Hóc Môn... Mỗi điểm đến này có thể níu chân du khách cả ngày. Bên cạnh đó, thiết kế ứng dụng dành riêng cho người dân, du khách sử dụng giao thông đường thủy đến các khu vực khác nhau hay mua sắm, tham quan, giải trí, ăn uống.
Cứ thế, nhân rộng mô hình này ra các kênh rạch khác và kết nối các điểm văn hóa, di tích, lịch sử thành điểm thu hút du lịch, kinh doanh, phát triển kinh tế như ở Hà Lan.
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Nhận bài dự thi đến ngày 28-7-2022.
Bình luận (0)