TP HCM được trung ương xác định là đầu tàu kinh tế của cả nước, đặc biệt là tác động hỗ tương đối với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhìn chung, vai trò điều phối của TP HCM đã được làm rõ. Tuy nhiên, trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, phải làm rõ một sức mạnh, một lợi thế tiềm ẩn, đó là nội lực.
Tư duy liên kết
Điều phối nội lực cả vùng sẽ giúp san bằng sự không tương quan của những xuất phát điểm tăng trưởng kinh tế từng địa phương, trong vùng, tránh sự dàn trải (nhất là đối với đầu tư ngành nghề trong các khu công nghiệp, khu chế xuất) và cả đóng góp, điều hành ngân sách nhà nước. Phải tạo dựng một cách kịp thời và pháp chế hóa việc điều phối này để TP HCM huy động được nội lực, phát huy mạnh mẽ sức mạnh đoàn kết toàn dân.
Khi sự khởi động tư duy liên kết thay đổi theo hướng tích cực, tiến bộ và đồng thuận, TP HCM sẽ là cầu nối, là chất xúc tác, điều phối hữu ích cùng các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có những động thái tích cực hơn, hiệu quả hơn. TP HCM sẽ thật sự xứng danh với vị thế trung tâm của mình khi và chỉ khi có sự "hợp đồng tác chiến" giữa các địa phương lân cận, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh...
Ngay từ lúc này, sự khởi động tư duy liên kết thật sự là cần thiết nhằm tạo điều kiện cùng nhau phát triển và rút ngắn khoảng cách, độ chênh giữa nhận thức và hành động. Bức tranh GDP (tổng sản phẩm nội địa) sẽ tuyệt đẹp nếu không còn sự khập khiễng về tốc độ tăng trưởng riêng lẻ của các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm này. Dĩ nhiên, không khống chế mức độ tăng trưởng kinh tế cho từng tỉnh, thành (vì mỗi địa phương có mức xuất phát điểm tăng trưởng và hoàn cảnh, điều kiện đặc thù khác nhau) song việc phối hợp và xác định được mức tăng trưởng bình quân toàn vùng cần nên chú trọng, vì đây sẽ mang tính hỗ trợ, liên kết tăng trưởng ở chiều hướng ổn định và bền vững.
Với vị thế trung tâm, TP HCM cần xây dựng một môi trường vừa mang tính thu hút vừa mang tính cạnh tranhẢnh: Hoàng Triều
Những việc cần làm
Xung quanh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế TP HCM theo cơ chế trung tâm hỗ tương phát triển vùng, cần làm nhiều việc. Trước hết, xóa bỏ ranh giới hành chính trong thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp TP theo hướng đầu tư về chất các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện có; nâng cao chiều sâu về tăng trưởng, tăng giá trị hàm lượng chất xám, tỉ trọng hàng hóa công nghiệp gia tăng về lao động tri thức; đồng thời, chuyển hướng phát triển công nghiệp mới dần đầu tư sang các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh...
Bên cạnh đó, nghiên cứu đề án phát triển về dịch vụ tài chính - ngân hàng để TP HCM thật sự là điểm son trong phát triển thị trường tài chính của cả nước (hoàn chỉnh thị trường chứng khoán, xúc tiến thành lập quỹ đầu tư, ngân hàng lưu giữ...). Phát triển nông nghiệp trên cơ sở cung cấp các sản phẩm dịch vụ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của TP HCM cho các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương... để phát triển nông nghiệp cả vùng. Xác định mức tăng trưởng GDP bình quân chung cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Xây dựng ngân sách địa phương lành mạnh trên cơ sở tăng thu và tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách địa phương phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng tương thích tốc độ đóng góp vào ngân sách cả nước.
Ngoài ra, cần thí điểm xây dựng mô hình phát triển kinh tế đối ngoại trong giao thương giữa TP HCM và các TP lớn của các nước có truyền thống quan hệ hữu ích. Hoàn chỉnh cải cách hành chính theo hướng gắn chặt mô hình chính quyền đô thị. Xây dựng hệ thống đào tạo viện, trường đại học hiện đại, phù hợp xu thế hòa nhập giáo dục thế giới nhằm phát huy công tác đào tạo nguồn nhân lực - tài lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới để thực thi tốt vai trò phát triển kinh tế - xã hội, thực sự là TP trung tâm, đầu tàu của cả nước.
Cuối cùng, TP HCM cần đề xuất Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ giải quyết nhanh chóng những vấn đề mà TP đã phát hiện về bất cập trong cơ chế hợp tác phát triển vùng với các tỉnh lân cận trong thời gian qua, tạo hành lang pháp lý hữu hiệu và tăng cường pháp chế.
Mô hình hiệp tác hỗ tương
Sự liên kết hợp tác phát triển vùng với đặc trưng đặt TP HCM làm vị thế trung tâm và các tỉnh lân cận của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam làm vùng đệm, ổn định phải dựa trên nguyên tắc hiệp tác hỗ tương.
Hiệp tác hỗ tương không chỉ dừng lại ở những gì có sẵn trong mô hình vận động của một quá trình mà sẽ mang tính dự báo và đan xen bởi tổng thể các quá trình khác nhau hiện hữu. Với vị thế trung tâm, TP HCM phải tạo được môi trường của quá trình vận động này dựa trên lợi thế sẵn có của mình. TP phải xây dựng một môi trường vừa mang tính thu hút vừa mang tính cạnh tranh, qua đó môi trường này phải là chất xúc tác, điểm lôi cuốn sức mạnh của các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm, từ đó phân bổ đi khắp các bộ phận kinh tế của vùng và duy trì sức mạnh mới này.
Ví dụ, đối với thu hút đầu tư, hiện nay, các tỉnh lân cận TP HCM có những lợi thế về cơ sở hạ tầng ban đầu, giá đất thấp, nhân công rẻ; ngược lại, TP HCM có sức mạnh, tiềm năng là trung tâm giao thương, cung ứng dịch vụ cao (tài chính, ngân hàng, công nghệ phần mềm...). Những lợi thế này được khai thác, tận dụng sẽ giúp tạo nên sự vận động mới có sức phân bổ, lan tỏa và duy trì sức mạnh vùng kinh tế trọng điểm, phù hợp quy luật cung - cầu thị trường và theo khả năng cạnh tranh.
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)