Thời gian qua, rất nhiều người dân đã phản ánh về tình trạng hoạt động không hiệu quả của bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. BĐVHX có nhiệm vụ chủ yếu là cung ứng cho người dân các dịch vụ viễn thông, phục vụ đọc sách báo và truy cập thông tin. Thế nhưng, hầu hết các điểm BĐVHX tại Thừa Thiên - Huế đều vắng khách.
Nằm cạnh Quốc lộ 49 điểm BĐVHX Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế khá khang trang, rộng rãi. Nơi đây luôn tươm tất, sách báo được sắp xếp gọn gàng trên các kệ tủ và mở cửa hằng ngày. Trong căn phòng chính của bưu điện, nhân viên trực sử dụng làm nơi đặt tủ lạnh và các dụng cụ pha chế cà phê. Khuôn viên của bưu điện từ lâu đã trở thành quán cà phê.
Chị Hồ Thị Hiền, nhân viên BĐVHX Phú Thượng đã làm việc tại đây 4 năm, cho biết bưu điện có trên 420 đầu sách, hằng ngày có 3 tờ báo được đưa về phục vụ người dân. “Cứ nhận sách báo về thì sắp xếp lên tủ chứ chẳng mấy ai tới để đọc. Thi thoảng chỉ có vài ba học sinh đến mua tem, phong bì, còn dịch vụ điện thoại thì chẳng có ai ngó ngàng đến” - chị Hiền kể.
Gần đó là BĐVHX Phú Thuận, huyện Phú Vang. Có gần 9 năm làm việc tại nơi này, mỗi ngày, chị Phạm Thị Ve chỉ dọn dẹp vệ sinh, nhận báo, mở cửa rồi làm việc gia đình. Cũng như các điểm khác, tại đây cũng có vài trăm đầu sách báo nhưng hiếm khi có người đến đọc.
Bà Châu Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết toàn tỉnh này có 111 điểm BĐVHX. Mỗi điểm BĐVHX có tối thiểu 100 đầu sách, hằng năm được cấp 500.000 đồng để bổ sung nguồn sách, mỗi ngày có 3 tờ báo. “Thời gian đầu, các điểm bưu điện đã thực sự đáp ứng được nhu cầu của người dân về sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông, tiếp cận thông tin. Từ 7 năm trở lại đây, do sự phát triển của khoa học công nghệ, điện thoại di động xuất hiện nhiều nên người dân ít đến BĐVHX” - bà Phương nói.
Theo bà Phương, hiện mỗi điểm đều có một nhân viên được hợp đồng để bảo quản cơ sở vật chất, trực đêm và phục vụ người dân tối thiểu 4 giờ/ngày. Do thu nhập thấp, các nhân viên được tạo điều kiện như bán sim, mở cà phê ngay khuôn viên bưu điện văn hóa… để kiếm thêm. “Trong số 111 điểm thì chỉ có 3 điểm kinh doanh có lợi nhuận 3-4 triệu đồng/tháng, trên 50% trong số này doanh thu dưới 500.000 đồng/tháng và thua lỗ. Vì vậy, mỗi tháng chúng tôi phải chi trên 100 triệu đồng để bảo đảm hoạt động của các điểm BĐVHX” - bà Phương nói.
Bình luận (0)