Tỉnh Đồng Nai vừa liên tiếp ra các kết luận thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm về đất đai tại khu dân cư Bình Đa, phường Bình Đa và các khu đất "vàng" của Hợp tác xã Dịch vụ Sản xuất Nông nghiệp Gò Me (HTX Gò Me) trên đường Võ Thị Sáu, TP Biên Hòa. Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai còn nêu đích danh 10 khu đất "vàng" ở TP Biên Hòa được nhà nước giao quản lý, sử dụng nhưng chưa chặt chẽ, bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích, chậm đưa vào sử dụng, cho thuê.
Nhà nước thất thu, người dân chịu thiệt
Có nhà cách khu đất "vàng" án ngữ Quốc lộ 1 mà Công ty CP Việt Bo Việt đề nghị thực hiện dự án khu dân cư thuộc phường Tân Hòa nhiều năm nay nhưng vẫn bỏ trống, ông Thành (50 tuổi) cho hay mấy năm trước, người dân được thông báo nơi này sẽ làm dự án khu dân cư.
"Chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ làm thay đổi bộ mặt khu dân cư, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong kinh doanh, mua bán. Vậy mà, hơn 3 năm qua, khu đất vẫn để trống, cỏ mọc um tùm và đầy muỗi, nhìn mà tiếc. Nếu dự án trên giao cho một nhà đầu tư uy tín, giàu tiềm lực thì đã có một khu dân cư khang trang, hiện đại, giải bài toán nhà ở của người dân" - ông Thành nhận xét.
Ông Thành đề nghị chính quyền tỉnh Đồng Nai nhanh chóng làm rõ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hoặc thu hồi giao cho nhà đầu tư khác. Bởi lẽ, khu đất "vàng" cứ để trống như vậy không những nhà nước thất thu ngân sách mà bộ mặt TP Biên Hòa cũng bị ảnh hưởng, người dân xung quanh cũng chịu thiệt.
Ông Nguyễn Khoa Hồng Vân (ngụ phường Tân Hạnh) cho rằng những khu đất "vàng" bỏ trống nhiều năm là sự lãng phí rất lớn, "thiệt đơn thiệt kép" với tỉnh Đồng Nai và người dân. "Những khu đất "vàng" bị Thanh tra tỉnh Đồng Nai chỉ ra hàng loạt sai phạm như khu dân cư Bình Đa, HTX Gò Me… sẽ làm xấu hình ảnh và kéo sự phát triển của TP Biên Hòa chậm lại. Những khách hàng liên quan mua nhà dự án trên sẽ phải chờ đợi mòn mỏi…" - ông Vân trăn trở.
Là một người dân sống ở Biên Hòa gần 50 năm nay, ông H.T.C cảm thấy bức xúc mỗi khi đi qua các khu đất "vàng" dọc mặt tiền đường Nguyễn Ái Quốc từ vòng xoay Tân Phong đến Công ty CP Công trình Giao thông Đồng Nai, phường Trảng Dài; khu đất siêu thị Vinatex Biên Hòa, phường Quang Vinh...
Theo ông C., đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách địa phương phụ thuộc tương đối lớn các nguồn thu từ đất. Giao đất "vàng" cho những đơn vị không đủ năng lực sẽ dẫn đến các khu đất được giao bị sử dụng sai mục đích, gây thất thoát tài sản Nhà nước, sai quy hoạch, ảnh hưởng cuộc sống người dân, đồng thời ảnh hưởng đến môi trường đầu tư… Chỉ khi giao đất "vàng" cho đúng doanh nghiệp (DN) có tâm, có tầm thì mới giúp địa phương phát triển, người dân được hưởng lợi.
Khu đất siêu thị Vinatex Biên Hòa, phường Quang Vinh đang bị kiểm traẢnh: Nguyễn Tuấn
Có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý
Theo một chuyên gia bất động sản, hiện tình trạng để quỹ đất trống, chưa triển khai của một số cá nhân cũng như DN có nhiều lý do.
Với DN, khi đăng ký các dự án thì đều có thời hạn đầu tư. Nếu họ chưa sử dụng, để năm này qua năm khác thì chủ yếu là do chưa có tiềm lực tài chính cũng như phương án tốt nhất để triển khai hoặc triển khai thực hiện khâu pháp lý cho dự án nhưng chưa hoàn tất. Ngoài ra, có tình trạng DN có quỹ đất nhưng không triển khai mà chỉ nhằm hợp tác đầu tư với đơn vị khác và hưởng lợi từ hoạt động "đánh bóng" tên tuổi, làm giá cổ phiếu, xây dựng hình ảnh… Vì vậy, sau khi công bố hợp tác, họ âm thầm thanh lý hợp đồng.
Để tránh tình trạng này, Nhà nước cần phải quyết liệt tìm ra nguyên nhân thực sự. Nếu dự án đang gặp khó thì cơ quan chức năng phải đồng hành, lắng nghe và gỡ khó cho DN bởi thực tế cũng có nhiều DN "khóc ròng" vì dự án trì trệ. Còn nếu chủ đầu tư cố tình trì trệ thì xử lý mạnh tay, thậm chí thu hồi dự án để lành mạnh hóa thị trường bất động sản.
Trong chuyện đánh thuế quỹ đất, tài sản gắn với đất, Nhà nước cũng cần có chế tài, minh bạch và công bằng để có thể giám sát, làm đúng, không để xảy ra sự chênh lệch kiểu "nắm người có tóc...". Như vậy, người nộp thuế sẽ chấp nhận đóng tiền cho Nhà nước.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, kết quả tổng hợp gần đây từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho thấy cả nước có 3.205 dự án, diện tích khoảng trên 85.163 ha (chưa tính đến diện tích đất Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp) đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Tình trạng này không chỉ tập trung ở Hà Nội, TP HCM hay mới đây là Đồng Nai, mà còn diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Qua rà soát, tập hợp báo cáo của Sở TN-MT các tỉnh, Bộ TN-MT đã công bố công khai danh sách tình trạng vi phạm pháp luật đất đai của hàng loạt DN tại nhiều địa phương. Đây là một trong những cách thức cảnh báo và để ngăn chặn những DN không có năng lực triển khai dự án một cách hiệu quả nhưng vẫn đi "xin" thêm dự án.
"Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý đối với các trường hợp dự án chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ thực hiện. Vấn đề đặt ra là các cơ quan quản lý Nhà nước về đất phải tăng cường kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và xử lý các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật" - luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.
Bình luận (0)