Những ngày qua, trên Báo Người Lao Động đăng loạt bài "Thế giới riêng taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất" đã phơi bày tất cả bất cập trong quản lý, điều hành lĩnh vực vận tải hành khách công cộng ở địa bàn này.
Trách nhiệm về quản lý nhà nước
Ai cũng biết sân bay Tân Sơn Nhất là một trong 2 cảng hàng không lớn nhất nước, đưa đón hành khách hàng triệu lượt mỗi năm. Vì vậy, nhu cầu di chuyển của hành khách từ ga quốc nội, quốc tế đến các nơi là rất lớn. Đây là "miếng bánh béo bở" của ngành vận tải hành khách công cộng. Việc bố trí phương tiện vào để đón - trả khách ở khu vực nhà ga quốc nội, quốc tế nhiều năm qua đã bị kêu ca rất nhiều vì những bất cập. Đến khi loạt bài phóng sự của Báo Người Lao Động đăng tải, nguyên nhân dẫn đến những bất cập đó được phơi bày một cách rõ ràng.
Sự việc diễn ra công khai, bát nháo nhiều năm liền, người có thẩm quyền không thể không biết. Thế nhưng, vì sao không chấn chỉnh, không giải quyết dứt điểm tình trạng này?
Để xảy ra tình trạng này, trước hết trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Bởi lẽ, vai trò, trách nhiệm của Bộ GTVT đối với sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng và các cảng hàng không trên lãnh thổ Việt Nam là rất lớn.
Dẹp nạn bát nháo ở sân bay là việc cần làm ngay và phải làm nhanh chóng. Ảnh: LÊ VĨNH
Ở góc độ quản lý nhà nước, tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực GTVT nhưng Bộ GTVT không kịp thời chấn chỉnh khi có dư luận phản ánh về bất cập trong việc đón - trả khách, khai thác vận tải hành khách ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ở góc độ là bộ chủ quản, Bộ GTVT quản lý toàn diện các cảng vụ hàng không. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam tại các điều 59, 60, 61 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, quyền quản lý nhà nước tại các cảng hàng không đã quy định rất rõ. Người đứng đầu cảng vụ hàng không do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Bộ GTVT bổ nhiệm, miễn nhiệm. Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền quy định về tổ chức và hoạt động của cảng vụ hàng không. Quyết định 3424/QĐ-BGTVT ngày 12-12-2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cảng vụ hàng không càng thể hiện sự quản lý toàn diện của Bộ GTVT đối với các cảng vụ, trong đó có sân bay Tân Sơn Nhất.
Cơ quan có trách nhiệm trực tiếp là Cảng vụ Hàng không Miền Nam - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý toàn diện sân bay Tân Sơn Nhất - là không có gì bàn cãi. Người đứng đầu đơn vị này phải trả lời trước người dân về việc để xảy ra tình trạng này.
Phải dẹp được nạn bát nháo
Với những gì đã và đang diễn ra cho thấy mọi hoạt động khai thác vận tải hành khách công cộng tại sân bay Tân Sơn Nhất phụ thuộc nhiều vào Công ty TCP - đơn vị được xác định là đối tác khai thác mảng dịch vụ này ở sân bay Tân Sơn Nhất. Với trách nhiệm là đối tác nhưng để xảy ra sự bát nháo này, sự hợp tác với TCP cũng cần được xem xét lại để tránh tình trạng lộn xộn, bắt chẹt hành khách như vừa qua.
Sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là cảng hàng không quốc tế lớn mà còn là bộ mặt của TP HCM. Vì vậy, dẹp nạn bát nháo là việc cần làm ngay và phải làm nhanh chóng. Không thể vì lợi ích của một tổ chức, cá nhân nào mà làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố. Cơ quan có thẩm quyền của TP HCM cần có ý kiến với Chính phủ, Bộ GTVT lập lại trật tự, bố trí, phân luồng, phân tuyến và khai thác hiệu quả việc đưa đón hành khách. Cần bố trí đủ số lượng xe buýt, tần suất 15-30 phút/lượt xe vào trong khu vực đón khách để người dân có nhu cầu đi xe buýt lựa chọn. Các cảng hàng không khác ở Việt Nam đều có phương tiện này ở các nhà ga quốc nội. Đầu tư xây dựng nhiều khu vực đón - trả khách để vừa giải quyết nạn quá tải trong giờ cao điểm vừa có đủ không gian, hạ tầng để các phương tiện công cộng ra vào đón - trả khách. Đồng thời nên mở rộng cho nhiều đối tác vào khai thác lĩnh vực kinh doanh hành khách công cộng để có sự cạnh tranh công bằng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách tốt hơn.
Tính toán mô hình bến xe trong sân bay
Không chỉ có chuyện taxi kiểu chợ đen, sân bay Tân Sơn Nhất còn nhiều chuyện đáng bàn như giá cả dịch vụ, kiểm tra hàng hóa... khiến hành khách có cảm giác nơi đây như một thế giới riêng, một vùng bất khả xâm phạm, từ đó tiêu cực nảy sinh.
Dù chịu sự quản lý trực tiếp từ bộ - ngành trung ương nào thì cũng phải phối hợp và làm đúng những quy định của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương phải thể hiện vai trò của mình trước những bất cập, những điều tiếng không hay từ "cửa ngõ thành phố" này, đặc biệt là dịch vụ taxi đưa đón khách, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, bộ mặt thành phố.
Để đưa dịch vụ taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất vào quy củ, các cấp quản lý sân bay và chính quyền địa phương cùng ngồi lại với nhau để tìm ra phương án tốt nhất, trong đó thành phố phải giám sát thật chặt chẽ. Bên cạnh đó, thành phố cần kiến nghị để tạo thuận lợi cho một số tuyến xe buýt ra vào sân bay thuận tiện cho cả 2 ga quốc nội và quốc tế. Nếu giải quyết tốt hệ thống xe buýt sẽ giảm áp lực sử dụng taxi, đáp ứng tốt khả năng tài chính của nhiều bộ phận hành khách.
Phục vụ mặt đất, cụ thể là giải quyết việc đưa đón hành khách đi máy bay, là việc mà sân bay nào cũng phải thực hiện và cố gắng làm tốt, bởi đó cũng chính là "thương hiệu" của sân bay. Điển hình tại sân bay Charles de Gaulle ở thủ đô Paris - Pháp không chỉ có hệ thống xe taxi, buýt, xe điện... mà còn cả "xe đò" đi đến các tỉnh, thành khác trong nước, thậm chí là vài nước lân cận, được tổ chức, phục vụ rất chu đáo. Đây cũng là cách nhằm tránh áp lực đổ dồn dòng người vào trung tâm thành phố. Thiết nghĩ, một mô hình "bến xe trong sân bay" cũng nên tính toán và hình thành với sân bay quốc tế Long Thành. Tất nhiên, điều quan trọng nhất là thái độ quản lý, làm việc nghiêm túc và khoa học.
Thanh Vân
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-2
Bình luận (0)