Ngày 5-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Tuân, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, cho biết việc Nông - Lâm trường (NLT) Nghĩa Trung (xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng - Bình Phước) tự đặt ra lệ phí để thu tiền đường là hoàn toàn sai phạm.
Tự đặt lộ phí
Ngày 6-12-2010, ông Lê Hồng Thanh, Giám đốc NLT Nghĩa Trung, ban hành thông báo số 02/TB-NLT về việc “Thu tiền các loại phương tiện vận chuyển mì và các loại nông sản khác tham gia đi trên đường lô, liên lô cao su... do NLT quản lý”.
Căn cứ để NLT Nghĩa Trung tự ra thông báo thu phí đường đi là dựa vào... chủ trương chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cây cao su trên địa bàn lâm phần do NLT Nghĩa Trung quản lý!
Theo đó, lấy cớ thời gian qua sau khi NLT làm đường lô, nhiều xe máy cày, xe tải, xe cải tiến của nhân dân tự ý vận chuyển mì, nông sản, vật tư hàng hóa đi trên đường lô của NLT dẫn đến hư hỏng.
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa trên đường đất đỏ này phải nộp tiền đường
Vì thế, NLT thông báo đến các xã trên địa bàn và thông qua UBND các xã để nhân dân biết thực hiện việc nộp phí khi đi trên đường lô, mỗi chuyến xe 200.000 đồng.
Thông báo cũng... răn đe: “Nếu các loại phương tiện, chủ số hàng nông sản... nêu trên không thực hiện nộp phí thì NLT Nghĩa Trung không cho phương tiện qua đường. Đề nghị UBND các xã... ủng hộ việc thu phí nêu trên nhằm tu bổ, sửa chữa đường bị hư để hai bên cùng có lợi (!?).
Ngay khi vừa ban hành thông báo thu phí, nhân viên tại các chốt do NLT Nghĩa Trung lập ra đã thực hiện thu phí qua đường. Chỉ trong ngày 8-12-2010, ông L.C. đã phải bấm bụng nộp 400.000 đồng cho 2 chuyến xe chở hàng hóa. Hay ông N.V.T (cùng ngụ thôn 8, Nghĩa Trung) phải cắn răng nộp 600.000 đồng để... mua đường đi vào ngày 7 và 8-12-2010.
Bất chấp quy định
Cũng theo ông Trần Văn Tuân, việc NLT Nghĩa Trung tự đặt mức phí rồi thu khiến người dân bất bình đã nhổ bỏ khoảng 70-80 cây cao su của đơn vị này. Sau khi NLT Nghĩa Trung báo cho UBND xã, lúc này xã mới biết có chốt thu tiền!
Chúng tôi không chấp nhận việc NLT Nghĩa Trung thu phí. Tại buổi họp với UBND xã, ông Nguyễn Phúc Quyết, Phó Giám đốc NLT Nghĩa Trung, cho rằng do Công ty TNHH một thành viên Cao su Sông Bé giao thu tiền thì... phải thu tiền! Quan điểm của UBND xã không chấp nhận việc thu phí. Việc đưa ra lệ phí cũng như đã thu phí chưa được HĐND tỉnh thông qua là sai phạm.
Ông Đinh Quang Súy, trưởng thôn 8, xã Nghĩa Trung, kể: Sau khi NLT Nghĩa Trung thông báo thu tiền, tôi gọi điện cho ông Lê Hồng Thanh, Giám đốc NLT Nghĩa Trung, để phản ánh bức xúc người dân. Thay vì lắng nghe, ông Thanh lại thách thức: Quyền thu là quyền của NLT. Ai qua đường do NLT quản lý phải nộp tiền, không nộp không cho qua!
Lợi ích cục bộ
Ông Đinh Quang Súy bức xúc: “Việc NLT Nghĩa Trung tự đặt ra lệ phí, tổ chức thu phí đường đất đỏ chỉ dài khoảng 700m quá vô lý. NLT Nghĩa Trung được tỉnh cho thực hiện dự án “đổi đất lấy đường”, thay vì giúp địa phương, giúp nhân dân phát triển giao thông nông thôn thì họ làm ngược lại để thu lợi ích cho mình. Trước đây, không có đường đất đỏ, người dân vẫn vận chuyển hàng hóa, nông sản bằng đường mòn có sao đâu. NLT Nghĩa Trung đã không hỗ trợ nhân dân địa phương mà còn tự đặt ra lệ phí rồi thu là không chấp nhận”. |
Một nhân viên bảo vệ của NLT Nghĩa Trung khẳng định NLT lập ra tất cả 5 chốt để thu phí các tuyến đường liên thông với thôn 5, 8 và Lam Sơn 2 (xã Nghĩa Trung), thôn 7 (xã Nghĩa Bình), thôn 9 và 10 (xã Thống Nhất). Riêng chốt qua thôn 8, sau khi đã “thông cảm” cho người dân, mỗi ngày vẫn thu được khoảng 10 xe.
Lệ làng
Ngày 8-12-2010, NLT Nghĩa Trung tiếp tục ra thông báo số 03, nội dung giảm từ 200.000 đồng xuống còn 150.000 đồng/xe chở hàng hóa, nông sản nhưng vẫn bị phản ứng.
Đến ngày 10-12-2010, NLT Nghĩa Trung ra thông báo số 04, nội dung: “Thực hiện việc thu phí các loại xe máy cày, xe cải tiến, xe tải... lưu thông trên đường lô, liên lô cao su do NLT quản lý.
Nay thông báo đến các xã trên địa bàn và thông qua các UBND xã để nhân dân thực hiện việc nộp phí khi tham gia lưu thông. Qua đó, NLT sẽ phối hợp với các thôn nắm số dân tại địa phương có số lượng mì và các loại nông sản, hàng hóa khác là bao nhiêu tấn, nhu cầu vận chuyển là bao nhiêu chuyến, loại phương tiện gì để đăng ký vận chuyển.
Đồng thời nắm số người không phải dân địa phương, những hộ kinh doanh có số lượng mì và các loại nông sản, hàng hóa khác là bao nhiêu tấn, nhu cầu vận chuyển là bao nhiêu chuyến, loại xe... để đăng ký vận chuyển!
Đối với người dân địa phương, mỗi chuyến xe chở hàng hóa bằng xe máy cày phải nộp 50.000 - 70.000 đồng/chuyến. Riêng người dân từ nơi khác đến phải nộp 150.000 – 200.000 đồng/chuyến. Nếu chủ các loại phương tiện, số hàng trên không nộp phí thì NLT không cho qua đường lô do NLT quản lý!
Bình luận (0)