Thời trung học, một lần tôi đã sững sờ khi thấy người bạn thân bước vào trường với bàn tay phải băng kín. “Bị chém” – cậu bạn đáp gọn lỏn. Tôi im lặng vì quá rõ cái tính hiếu thắng, hay gây sự và luôn cho rằng mình đúng của cậu bạn và chỉ biết thầm mong mọi chuyện không tái diễn.
Một thời gian sau, tháo băng, là lúc bạn tôi biết bàn tay mình không bao giờ bình thường nữa. Vết thương đã chạm vào một số dây thần kinh – tôi nghe người nhà bạn nói thế. Và chuyện không dừng lại ở đó. Tôi chẳng bao giờ có thể thấy bạn cầm đàn hát nghêu ngao nữa. Nhất là, bàn tay ấy không còn cho cậu khả năng giữ vững cây viết chì, theo đuổi ước mơ trở thành kiến trúc sư. Lần đầu, tôi thấy bạn khóc và bảo rằng mình đã sai...
Chơi quá nhiều game bạo lực cũng làm cho các em bị ảnh hưởng về tâm lý và cách hành xử. Ảnh: HỒNG THÚY
Một lần vào bệnh viện, tôi chợt nhìn thấy chiếc băng ca được đẩy vội qua trước mặt mình. Người thanh niên trên ấy còn rất trẻ, với những vết thương trên người mà nhìn qua cũng biết là vết dao. Một phụ nữ, tôi đoán là mẹ anh, chạy theo với đôi mắt thất thần... Nhìn những vết thương, nhiều vết đi qua những vị trí nguy hiểm liên quan đến vận động, tôi không dám chắc rằng người thanh niên ấy sau cơn nguy kịch còn có thể sống và làm việc như người thường.
Sự nóng nảy thường làm con người trỗi dậy ý muốn phải làm đối phương đau khổ, về thể chất hoặc về tinh thần. Nhưng nhiều người đã và sẽ chọn cách làm nguội đi cơn giận bằng lòng bao dung. Vì họ biết đặt mình vào vị trí của người khác. Vì họ thấu hiểu được có những thương tổn không bao giờ lành lặn hẳn. Nếu cứ đáp trả cái xấu bằng cái xấu thì đó là một cái vòng luẩn quẩn khó thoát, tất cả mọi người trong đó đều bị tổn thương.
Bạo lực tồn tại không chỉ trong thế giới con người mà còn trong tất cả động vật nói chung. Bạo lực là một trong những yếu tố thuộc về bản năng. Tuy nhiên, con người là loài sinh vật đặc biệt, có tư duy. Giới trẻ, hay bất cứ một đối tượng nào sống trong xã hội, đều không thể sống chỉ bằng bản năng. Mỗi người trong quá trình sống và trưởng thành đều phải học cách chế ngự bạo lực bằng tư duy. Đó là lý do học sinh phải học môn giáo dục công dân, phải được nhà trường hướng theo những sinh hoạt tập thể, hoạt động cộng đồng, tính điểm thi đua, hạnh kiểm trong quá trình học tập.
Nhưng những hoạt động đó đã đủ để giúp lớp trẻ nhận thức được hậu quả của bạo lực?
Hoặc là, những điều ấy bị lấn át bởi những thông tin bạo lực trên các phương tiện thông tin đại chúng; những hình ảnh, những câu chuyện được tạo ra với mục đích kinh tế, dựng lên những “hình tượng” sai lệch. Nhiều “người hùng” được dựng lên trong bối cảnh đẫm máu, vô tình đưa đẩy nhận thức của những trí óc còn non nớt đi về phía sai lầm.
Sẽ dễ dàng hơn khi hệ thống thông tin được quản lý chặt chẽ. Hiện vẫn không thiếu những phim ảnh, trò chơi điện tử... mang tính bạo lực ngoài thị trường. Sẽ dễ dàng hơn nếu mối quan hệ giữa học sinh – giáo viên chủ nhiệm không chỉ là một tiết sinh hoạt chủ nhiệm ngắn ngủi mỗi tuần và nếu môn giáo dục công dân trong nhà trường không bị coi là một môn phụ, kém quan trọng. Bên cạnh dạy chữ, dạy kiến thức tự nhiên – xã hội, việc dạy làm người cần được đặt song song.
Giới trẻ cũng cần được chỉ cho hiểu những hậu quả của bạo lực. Những bài báo mang tính cảnh tỉnh hoặc những diễn đàn như thế này chính là một trong những công cụ. Khi hiểu được những hậu quả - có thể là kinh hoàng – của sự nóng nảy, bồng bột, tự lương tâm mỗi người sẽ là rào cản, để không thực hiện những hành vi tương tự làm hại đến đồng loại.
Bài học sinh động, ý nghĩa
Nhiều nước tiên tiến trên thế giới rất coi trọng giáo dục học sinh những hiểu biết sơ giản làm nền cho đạo đức công dân. Không khô cứng hay “đao to búa lớn”, họ giáo dục các em kỹ năng sống, cách ứng xử thân thiện với bạn bè, với môi trường xung quanh. Chẳng hạn, ở Nhật, người ta làm phim giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho trẻ rất sinh động và ý nghĩa. Trong phim này có tình tiết: Một đứa trẻ đi bộ dưới đường, gặp trời mưa, em đi bên này đường, còn phía bên kia đường là lối rẽ về nhà. Nếu em chui qua hàng rào phân cách giữa hai làn đường thì có thể về nhà nhanh hơn, song em đã nhẫn nại đi dưới mưa với một đoạn đường xa hơn để đến đúng chỗ quy định dành cho người đi bộ qua đường. Dù bị ướt sũng nhưng em đã hành xử đúng và cha mẹ của em cũng hài lòng vì điều đó.
Ở ta cũng đã bắt đầu có một số nơi tổ chức các sinh hoạt ngoại khóa hoặc giảng dạy cho các em tương tự, song chưa nhiều và chưa phổ biến.
Kim Long (TPHCM) |
Bình luận (0)