Trong quá trình thực hiện các dự án như khu công nghệ cao, chỉnh trang phát triển đô thị tại phường Long Bình…, nhiều người dân quận 9, TP HCM bị thu hồi đất và được bố trí tái định cư (TĐC). Tuy nhiên, tại nơi ở mới, người dân phải đối mặt với nhiều nỗi lo khi môi trường sống thay đổi.
Mỗi người một nơi
Tiếp chúng tôi tại quầy tạp hóa ở tầng trệt chung cư C4 (phường Hiệp Phú, quận 9), bà Võ Thị Luông cho biết gia đình bà bị thu hồi đất ở phường Long Bình để thực hiện dự án Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc từ năm 2010. Trước đây, nhà bà Luông có diện tích 400 m2, cả gia đình 9 người thuộc 3 thế hệ cùng chung sống. Hằng ngày, vợ chồng bà Luông chăm sóc vườn mai; các con, cháu làm công nhân hoặc học gần đó nên cuộc sống tương đối ổn định.
Từ khi giao đất về chung cư C4, do diện tích căn hộ quá nhỏ, ông bà, con cháu không thể ở cùng nhau. Không việc làm, không lương hưu, bà Luông xin ban quản lý chung cư đặt một chiếc tủ dưới tầng trệt bán tạp hóa kiếm sống qua ngày. “Đã quen cả nhà gồm ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần bên nhau; giờ về đây, phần nhà nhỏ, phần khó kiếm việc làm, con cái tứ tán mưu sinh, chỉ còn vợ chồng tôi và đứa con gái út ở căn hộ này” - bà Luông nói.
Từ khi có dự án xây lại chung cư Nguyễn Kim (phường 7, quận 10), hàng trăm hộ dân phải chuyển đi nơi khác. Chị Nguyễn Thị Đ. được tạm cư ở chung cư Bàu Cát (quận Tân Bình) chờ đến khi chung cư mới xây dựng xong sẽ chuyển về ở. Do làm việc ở quận 3, con học ở quận 1 nên chị Đ. đành thuê nhà ở gần trung tâm để thuận lợi cho việc đi lại.
Không có điều kiện như chị Đ., nhiều hộ dân thuộc diện tái tạm cư ở quận 8 đến khu TĐC Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) không có hộ khẩu nên không thể cho con học ở các trường gần nhà mà phải đưa con về học tại trường cũ cách xa hàng chục cây số. Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Loan Thu (ngụ lô B1.3) phải dậy từ 5 giờ 30 phút để chở con đi học, đến 15 giờ lại từ khu TĐC chạy xe lên quận 8 để đón con đi học về. Còn chị Nguyễn Thị Hương (cùng ngụ lô B1.3) phải cho con trai 5 tuổi nghỉ học mẫu giáo vì không đủ tiền đóng học phí.
Nỗi lo thất nghiệp
Nói về khu TĐC Vĩnh Lộc B, nhìn bên ngoài trông bề thế với hàng ngàn căn hộ nhưng ở trong lại vắng lặng. Hôm chúng tôi đến, 6 người phụ nữ đang trông các cháu nhỏ ngồi ở lô B1.3 với vẻ mặt rầu rĩ.
Bà Bùi Thu Tuyết (60 tuổi) cho biết chuyển đến đây từ năm 2013 theo diện tái tạm cư của dự án chống sạt kênh đôi ở phường 4, quận 8. Trước đây, bà Tuyết buôn bán nhỏ ở chợ, chồng làm thợ hàn, cuộc sống tạm đắp đổi qua ngày. Từ khi chuyển đến khu TĐC, công việc cũng mất, cuộc sống càng thêm khó khăn. “Vợ chồng già cùng 3 đứa cháu nhỏ sống lay lắt, thiếu thốn mọi bề. Tiền mua gạo còn thiếu trước hụt sau nói chi đến mua thức ăn” - bà Tuyết thở dài.
Ngồi cạnh bên, chị Nguyễn Thị Loan Thu tiếp lời: “Trước đây, tôi bán hủ tiếu, bánh canh mỗi ngày cũng kiếm được 100.000- 120.000 đồng. Về khu TĐC, buổi sáng tôi mở quán bán xôi, trưa và tối bán ốc nhưng chưa được 1 tuần đã dẹp vì không có người mua. Chồng tôi làm thợ hồ, thu nhập bấp bênh trong khi hằng tháng ở đây phải tốn thêm một số chi phí…”.
Tại quận 2, hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất ở phường Thủ Thiêm để thực hiện dự án đại lộ Đông Tây được bố trí TĐC ở chung cư Bình Trưng (phường Bình Trưng Đông, quận 2). Trong số đó, nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp. Bà Nguyễn Kim Giao (một hộ dân được TĐC) cho biết do diện tích căn hộ quá nhỏ nên gia đình bà phải thuê nơi ở khác, các con bị thất nghiệp một thời gian dài mới kiếm được việc làm.
Không may mắn như con bà Giao, gia đình ông Tăng Đình Toán trước đây sống khỏe với nghề làm chả lụa, từ khi giao đất về sống tại chung cư Bình Trưng không thể làm nghề cũ nên… thất nghiệp.
Đi tắm phải... đội nón
Tình trạng xuống cấp của các chung cư TĐC cũng khiến cuộc sống người dân càng thêm bất an. Chung cư Tân Mỹ (quận 7) được bố trí TĐC cho người dân rạch Ụ Cây (quận 8) mới được đưa vào sử dụng nhưng hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng; nhà giữ xe, trần nhà thấm dột, đóng rêu xanh.
“Chung cư mới mà mỗi khi đi tắm phải… đội nón vì trần nhà bị thấm dột. Lô A có 4 thang máy còn hoạt động nhưng không an toàn, còn thang máy ở lô B ngưng hoạt động từ lâu. Đã có nhiều vụ tai nạn thang máy xảy ra, gần đây nhất có một cụ già bị gãy chân do thang máy rơi tự do” - ông Phạm Thanh Trúc, ngụ phòng B406, bức xúc.
Một số chung cư ở khu TĐC Vĩnh Lộc B cũng bị nứt, sụt lún khiến người dân nơm nớp lo sợ. Bên cạnh đó, cỏ mọc rậm rạp ở các khoảng đất trống tạo điều kiện cho rắn, chuột ẩn nấp và phát sinh ruồi muỗi.
Bình luận (0)