Mới đây, UBND TP HCM đã giao Công an TP phối hợp Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP và các cơ quan chức năng có liên quan điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá hại cây xanh trên địa bàn TP. Đặc biệt là vụ 6 cây me tây liền kề trên vỉa hè đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình bị rụng lá.
Nhiều vụ đầu độc cây xanh
Trước đó, 6 cây me tây này có tán lá phát triển rất tốt nhưng đến giữa tháng 3-2016 bỗng đồng loạt rụng lá, chết dần. Ngày 3-6, quay lại vị trí này, chúng tôi ghi nhận phía sau những cây chết là 3 biển quảng cáo ngoài trời lớn, trong đó một tấm chưa có nội dung quảng cáo. Một người hành nghề xe ôm ở đây cho biết: “Cách đây 3 tháng, tôi ngửi thấy mùi hóa chất thoang thoảng khi dựng xe trên vỉa hè chờ khách. Khi bước lại gần gốc cây, mùi hóa chất bốc lên nồng nặc, được khoảng 2 tuần sau thì cây trụi lá”. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được cá nhân, tổ chức nào cố tình phá hại cây xanh.
Việc xâm hại cây xanh đường phố diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Trước địa chỉ nhà số 403 Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) 2 cây viết bị chặt sát gốc. Tại số 45 Tân Quý, phường Tân Quý (quận Tân Phú) cây sọ khỉ bị đốn hạ trái phép, sau đó tự tái lập lại vỉa hè để xóa dấu tích. Còn trước số nhà 524 Hòa Hảo (phường 7, quận 11), khoảng nửa năm nay, một cây xanh có đường kính khoảng 80 cm nằm choán gần hết mặt tiền căn nhà bỗng chết khô, trơ gốc. Cơ quan chức năng xác định xung quanh gốc cây này bị đào xới, đồng thời có dấu hiệu gốc cây bị đổ hóa chất. Ở một số nơi khác như trước công trình đang xây dựng kế nhà số 37 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (quận 2), 2 cây lim sét bị trụi lá đột ngột, có dấu hiệu bị xâm hại; 1 cây sọ khỉ cổ thụ trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 1) đột ngột vàng lá, xung quanh gốc cây có mùi hóa chất. Cũng trên tuyến đường này, năm 2014, 1 cây sọ khỉ cổ thụ bị phá hoại, chết nên buộc phải đốn bỏ để trồng cây khác thay thế.
Theo một cán bộ Phòng Quản lý cây xanh Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, phần lớn tình trạng xâm hại cây xanh là do cố ý, vì những lý do như: cây xanh ảnh hưởng đến lối ra vào, tán cây che mặt tiền kinh doanh, che khuất bảng hiệu, bảng quảng cáo...
Cây chết thì... báo cáo
Được biết, đa số cây xanh trên địa bàn TP HCM được UBND TP giao Sở GTVT TP quản lý, sở này phân cấp quản lý về cho các khu quản lý giao thông đô thị và Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Ngoài ra, trên nhiều tuyến đường còn một số cây xanh tự phát không được đánh số, không thuộc quản lý của các đơn vị trên. Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP cho biết đơn vị này là một trong những đơn vị được các chủ đầu tư đặt hàng duy tu, chăm sóc công viên, cây xanh. Trong quá trình kiểm tra, chăm sóc nếu phát hiện cây bị xâm hại như đổ hóa chất vào gốc cây, chặt nhánh thì sẽ... báo cáo về cho các chủ đầu tư, cơ quan chức năng.
Theo một lãnh đạo Sở GTVT, các quy định chế tài đối với hành vi xâm hại cây xanh hiện vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, việc bảo vệ cây xanh không bị “bức tử” rất khó do các đối tượng thực hiện vào ban đêm, nhân viên quản lý cây xanh ít, không thể theo dõi thường xuyên. Sở GTVT vừa kiến nghị UBND TP chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra và xử lý nghiêm các vụ vi phạm điển hình để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự trong thời gian tới. Còn các đơn vị trực tiếp quản lý cây xanh thì có văn bản gửi chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ, phối hợp điều tra, xử lý.
Tuy nhiên, theo những người dân từng nhiều lần bức xúc phản ánh đến Báo Người Lao Động về tình trạng cây xanh bị bức tử thì hằng năm, TP bỏ ra một khoản tiền không nhỏ cho việc chăm sóc và quản lý cây xanh, việc quản lý được phân cấp cho nhiều đơn vị, tưởng là chặt chẽ nhưng cuối cùng cây chết không thấy ai chịu trách nhiệm. Vì sao được giao chăm sóc, quản lý cây xanh nhưng không biết cây bị đổ hóa chất, cho đến khi cây chết thì báo cáo rồi giao việc điều tra cho cơ quan chức năng? Vì sao ngay từ đầu không có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ cây xanh? Cây chết khô thì điều tra bằng cách nào vì chỉ có thể xử lý khi bắt được quả tang. Quản lý cây xanh như vậy thì cây xanh sẽ còn tiếp tục bị bức tử.
Có thể xử lý hình sự
Theo luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP HCM), Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP có chức năng, nhiệm vụ chính là hoạt động công ích: quản lý, duy tu, cải tạo và xây dựng mới các công trình công cộng (công viên, vườn hoa, cây xanh đô thị...). Do đó, việc công ty để xảy ra tình trạng hàng loạt cây xanh trên đường phố chết, nhiều cây bị đổ hóa chất và chết dần là chưa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng.
Theo luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM), hành vi phá, tác động ngoại lực hoặc đốn chết cây xanh nếu định giá tài sản có mức khung khởi tố hình sự thì có thể truy tố tội hủy hoại tài sản. Khó khăn là làm sao xác định được ai là chủ thể gây ra cái chết của cây và chủ sở hữu của cây (đơn vị hay cá nhân) có yêu cầu khởi tố hay không?
Dù vậy việc điều tra, truy tố, xét xử không phải là không thực hiện được. Với hành động giết chết cây xanh ở đô thị vì tư lợi cá nhân là hoàn toàn có thể đủ cấu thành tội phạm vì cây xanh hiện nay có giá trị cao.
Bình luận (0)