Huyện miền núi Nam Đông nằm dưới chân núi Bạch Mã, có lượng mưa trung bình hằng năm rất lớn nên còn khá nhiều con suối trong lành. Dọc những con suối uốn lượn theo các cánh rừng nguyên sinh ấy là nơi sinh sống lý tưởng cho loài cá xanh.
Thả lưới bắt cá xanh trên suối Cha Mon
Loài sâu đá cá xanh thường tìm ăn
Cá xanh phơi khô để làm món đặc sản ngày Tết
Món cá xanh hấp hành
Sau chặng đường di chuyển bằng xe gắn máy, nhóm thợ câu phải dừng lại ở chân đập thủy điện Thượng Nhật, xã Thượng Nhật để rồi lên thuyền ngược dòng Cha Mon vào sâu hút trong rừng Bạch Mã. Sau quãng đường thủy, nhóm thợ sơn tràng phải leo thác, vượt đồi mới đến được khu vực mà họ hay săn cá.
Đã 57 tuổi nhưng đôi chân của ông Hồ Văn Sang vẫn thoăn thoắt trên các mỏm đá cheo leo. Hơn 30 năm gắn bó với nghề này, ông nói rằng dấu chân của mình như đã hằn lên các vách đá ở những con thác Khe Tre, Cha Mon, La Ma, Mù Nú...
Có những cuộc đi câu, ông và nhóm bạn nhiều lần "đụng độ" với trăn, với rắn mà nhiều khi tưởng chừng đã trở thành con mồi của chúng. "Trước kia, chúng tôi câu cá này về làm thực phẩm ăn qua ngày, được nhiều thì mang đi đổi lấy gạo. Khi đó, cá rất nhiều, ra các khe suối gần nhà là đã có cá ăn nhưng nay phải vào sâu trong rừng mới câu được" - ông Sang cho biết.
Sau hơn 1 giờ đi thuyền, nhóm cần thủ ông Sang đã đến nơi mà loài cá xanh sinh sống khá nhiều. Ở đây, không khí trong lành, yên ả đến lạ thường, chỉ nghe tiếng gió rì rào, tiếng suối chảy róc rách. Nhóm cần thủ ông Sang đi dọc con suối, lật từng viên đá nhỏ tìm bắt loài sâu xanh trú ngụ dưới đó để làm mồi câu. Loài vật này kích thước bằng 2 hạt gạo, có đuôi dài, thường sống "ký gửi" nơi đá suối chìm sâu dưới nước. Rồi mỗi người chọn cho mình một vị trí lý tưởng, móc sâu xanh vào chiếc lưỡi sắc nhọn. Họ kiên nhẫn ngồi canh đúng thời điểm cá xanh ngược dòng lên thác tìm sâu để câu. Kinh nghiệm cho biết thời điểm "vàng" để săn cá xanh là lúc rạng sáng và khi trời vừa tối.
Buổi sáng, loài cá này bơi ngược lên thác nước chảy mạnh để tìm mồi sâu xanh. Chiều tối, cá xanh vào trú ngụ ở các hốc đá phía hạ nguồn sông suối. Vì vậy, vào buổi sáng, nhóm thợ ông Sang phải dùng cần câu móc mồi sâu xanh ngồi câu ở vùng nước chảy hàng giờ mới bắt được loài cá này. Còn vào buổi tối, họ bắt chúng bằng lưới hoặc dùng thuốc "gia truyền" chế từ rễ cây rau răm tự nhiên hoặc thân cây gai bỏ xuống nước. Loài thuốc này khi hòa vào nước có mùi cay nồng nên cá xanh ngụ trong các hốc đá đành phải chui ra, các thợ săn chỉ cần dùng lưới là có thể bắt được.
Đối với ông Sang cũng như những người mưu sinh dựa vào rừng, họ chỉ đánh bắt các con cá xanh đã trưởng thành, không tận diệt và luôn bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Anh Nguyễn Trọng Quê - chủ một nhà hàng đặc sản ở thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông - kể rằng cá xanh là món ăn được ưa chuộng bởi thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Loài cá này không thể nuôi được vì nó sinh sống vùng thác chảy, nước sạch. Lên Nam Đông ai cũng muốn ít nhất một lần được thưởng thức món cá này.
Loài cá với kích thước vừa phải, chỉ bằng 3-4 ngón tay người, vốn là thức ăn quen thuộc của đồng bào dân tộc ngàn đời qua. Cá xanh chủ yếu chế biến thành các món như hấp hành, nướng, xào rau dớn. Lòng cá xanh dùng nấu cháo cho trẻ bởi thịt chắc, có giá trị dinh dưỡng. Còn đối với cá phơi khô thì ngày Tết trở thành món ăn để thết đãi khách quý.
Theo ông Quê, cách đây chừng 10 năm, loài cá này ở Nam Đông rất nhiều, cư dân bản địa một ngày đi ngược các khe suối là có đủ cá để vừa ăn vừa bán. Nhưng giờ đây, cá càng hiếm nên giá khá cao, tầm 1-1,2 triệu đồng/kg.
Bình luận (0)