Phim "Cô Ba Sài Gòn" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bị livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội Facebook chỉ vài ngày sau khi ra rạp đã trở thành "giọt nước tràn ly".
Đã từng xảy ra nhiều
Trước đó, chiều 13-11, tại Lotte Cinema Vũng Tàu, khán giả N.V.T (19 tuổi) đã lén livestream phim từ rạp để câu like, câu view. Vụ vi phạm được giao cho phía cơ quan chức năng xử lý. Theo Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bước đầu, cơ quan điều tra đã mời T. lên để tường trình lại sự việc. Hiện chưa tiến hành bất cứ thủ tục tố tụng nào.
Đây là hành vi phạm pháp mới, không chỉ làm thiệt hại cho nhà sản xuất mà còn gây tác động xấu đến xã hội và cộng đồng. Tuy nhiên, đa số các bạn trẻ vẫn chưa nhận thức được, cho rằng bỏ tiền vào rạp xem phim thì có thể chia sẻ cho bạn bè ở nhà; thậm chí một số bạn trẻ còn cổ xúy cho những hành vi sai trái này.
Trước đó, phim "Em chưa 18" của đạo diễn Lê Thanh Sơn cũng gặp phải tình trạng tương tự. Một nữ khán giả đã livestream từ cụm rạp CGV Cần Thơ ngay trong suất chiếu sớm. Phim "Tấm Cám: Chuyện chưa kể" của Ngô Thanh Vân cũng bị livestream lén bởi một nữ khán giả khi đi coi phim tại một rạp ở quận 7 (TP HCM). Một số phim khác cũng không thoát khỏi nạn này, như phim "Lô tô" của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, phim "Xóm trọ 3D" của NSND Hồng Vân, phim "Chạy đi rồi tính" của đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân, phim "4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu" của đạo diễn Luk Vân; phim "Vòng eo 56" đạo diễn Vũ Ngọc Đãng… Đa phần người vi phạm đều bị mời ra khỏi rạp, yêu cầu gỡ bỏ video, lập biên bản chứ không có biện pháp răn đe nặng hơn.
Ngoài livestream nở rộ thời gian gần đây, nhiều phim trong và ngoài nước bị vi phạm bản quyền qua hình thức ghi hình lén rồi phát tán trên các trang phim bất hợp pháp. Những phim: "Dòng máu anh hùng", "Cánh đồng bất tận", "Chàng trai năm ấy", "Để mai tính" 2, "Tốc độ và đường cong", "Siêu nhân X", "Ngày nảy ngày nay", "Gái già lắm chiêu", "Em là bà nội của anh", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Yêu",... đều bị vi phạm khiến nhà sản xuất bức xúc. Nhiều phim nước ngoài ra rạp Việt chưa bao lâu cũng đã rò rỉ trên trang phim lậu khiến nhà phát hành lo lắng.
Có thể xử lý hình sự
Theo bà Nguyễn Ngọc Duy Mỹ (giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP HCM), bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) năm 2005. Theo luật này, chủ sở hữu của tác phẩm điện ảnh này có các quyền độc quyền của chủ sở hữu, trong đó có quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
Trong vụ việc này, nếu đúng như báo chí thông tin là T. khi xem bộ phim trong rạp chiếu phim, đã livestream khoảng gần 1 giờ trên một fanpage, thu hút hơn 5.700 lượt xem với gần 200.000 lượt view, thì hành vi này đã có dấu hiệu của việc xâm phạm quyền tác giả được quy định tại điều 28 Luật SHTT. Cụ thể, đây là hành vi "truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả" (khoản 10, điều 28 Luật SHTT). Ngoài ra, nếu T. quay lén lại phim này, lưu trữ phim trong điện thoại của mình (không phải livestream) thì là hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Đối với hành vi "truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả", theo điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, có thể bị phạt tiền từ 15-30 triệu đồng, buộc gỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm.
Với hành vi "sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả", hành vi này có thể bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Chủ sở hữu bộ phim cũng có quyền yêu cầu tòa án buộc người vi phạm bồi thường nhưng phải chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại này.
Ngoài biện pháp xử lý vi phạm hành chính và biện pháp dân sự, hành vi này có thể bị xử lý hình sự nếu người vi phạm thực hiện hành vi vì mục đích thu tiền, nhận thù lao hoặc lợi ích vật chất khác từ trang fanpage đó hoặc mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu thuộc trường hợp luật định.
Có thể phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm
Theo điều 225 BLHS năm 2015 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, có hiệu lực từ 1-1-2018), hành vi vi phạm thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500 triệu đồng trở lên; hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Bình luận (0)