TP HCM hiện có hơn 100 "lô cốt" (rào chắn thi công) án ngữ trên 55 tuyến đường (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016). Một số dự án lớn như xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành (quận 1) - Suối Tiên (quận 9) có tới 15 vị trí phải dựng "lô cốt", làm hàng loạt tuyến đường từ khu vực trung tâm cho đến ngoại thành bị thu hẹp.
Bủa vây
Giờ cao điểm sáng 16-5, hàng ngàn phương tiện phải nhích từng chút khi qua khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) do những "lô cốt" được dựng tại đây. Đến chiều cùng ngày, việc lưu thông của nhiều người càng trở nên vất vả khi cơn mưa lớn bất chợt đổ xuống. Ô tô nối đuôi nhau kéo dài, trong khi người đi xe máy phải di chuyển chậm chạp cho đến chiều tối.
Qua ghi nhận của phóng viên, trên đường Hoàng Minh Giám và Nguyễn Thái Sơn, các dãy "lô cốt" dài khoảng 300 m (hướng về vòng xoay) đã làm mặt đường bị thu hẹp chỉ còn một làn xe. Khi ô tô lớn chạy qua, mặt đường gần như bị bít kín, chỉ còn chừa lại vừa đủ cho một xe máy di chuyển nên không chỉ riêng trong giờ cao điểm, ùn ứ vẫn xảy ra tại đây do các phương tiện không thoát kịp. "Khu vực này kẹt xe như cơm bữa và càng trở nên trầm trọng từ lúc những rào chắn mọc lên" - chị Nguyễn Thị Trang (ngụ quận 12) nói.
Đường Trường Sơn đoạn qua nút giao với đường Hồng Hà và Bạch Đằng (đối diện cổng sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình) cũng rơi vào tình trạng ùn ứ cục bộ do rào chắn làm mặt đường bị thu hẹp. Trong đó, căng thẳng thường xuyên xảy ra ở hướng lưu thông về đường Hồng Hà, khi "lô cốt" làm khu vực này trở thành "nút thắt cổ chai". Các loại xe khi di chuyển trên đường Trường Sơn đến đoạn có rào chắn đều phải nhập chung làn và tình trạng xung đột giữa các hướng lưu thông xảy ra liên tục.
Tại công trình thi công nhà ga Ba Son - gói thầu 1b (thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1) trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1), đoạn "lô cốt" kéo dài hơn 50 m chiếm một phần mặt đường cũng khiến các loại xe phải vất vả khi lưu thông qua. Ùn ứ vào giờ cao điểm buổi chiều xảy ra tại đây thường xuyên do đường hẹp. Khu vực này còn có cơ sở 2 của Trường ĐH Sài Gòn, sinh viên tập trung ra vào rất đông càng khiến kẹt xe trở nên trầm trọng. Chưa kể các loại xe tải, bồn... cũng liên tục lưu thông qua đoạn đường trên dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Tương tự, hàng loạt "lô cốt" ở các dự án khác như mở rộng đường Hoàng Hữu Nam, thi công giai đoạn 1 nút giao thông hoàn chỉnh ở cổng ĐHQG TP HCM (quận 9); xây dựng hầm chui ở nút giao thông An Sương (quận 12); các công trình thuộc dự án xây dựng tuyến metro số 1 khu vực trung tâm TP... cũng thường xuyên gây ra tình trạng dồn ứ.
Hàng ngàn phương tiện nhích từng chút khi qua đoạn rào chắn trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) vào chiều 16-5
Phân luồng từ xa
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Khu 1) - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết đơn vị này hiện là chủ đầu tư của nhiều công trình đang thi công trên địa bàn TP. Điển hình như dự án xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Trường Sơn - Hồng Hà, bắt đầu thi công vào tháng 3-2017.
Ông Ninh thừa nhận rào chắn ở các công trình chiếm dụng một phần lòng đường đã gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Tuy nhiên, việc này là bắt buộc do phải bảo đảm an toàn và nhiều công trình cũng đang phục vụ việc giải quyết tình trạng kẹt xe cho một số nút giao thông.
Theo ông Ninh, với mỗi công trình khi chuẩn bị thi công, các đơn vị đều thực hiện trước những giải pháp phân luồng từ xa cũng như yêu cầu đơn vị thi công phải bảo đảm thực hiện đúng quy định, đúng hoặc sớm hơn tiến độ nhằm trả lại mặt đường.
"TP đang bước vào mùa mưa nên tình hình kẹt xe, ngập nước được đánh giá sẽ rất phức tạp. Khu 1 đang phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP khảo sát và đánh giá lại từng khu vực có nguy cơ xảy ra ngập, đặc biệt là những đoạn đang thi công dự án. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ có biện pháp tổ chức và phân luồng giao thông nhằm hạn chế phương tiện di chuyển qua những điểm ngập, đoạn có rào chắn nhằm bảo đảm an toàn cũng như tránh tình trạng kẹt xe" - ông Ninh thông tin.
Riêng dự án xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Trường Sơn - Hồng Hà, ông Ninh cho biết trong vài cơn mưa gần đây, có một số thời điểm bị ùn ứ nhẹ nhưng lo ngại khi mưa lớn, kẹt xe nghiêm trọng sẽ xảy ra. Do đó, Khu 1 sẽ đánh giá lại và tìm biện pháp tối ưu nhất trong việc tổ chức, phân luồng giao thông để phù hợp với thực tế.
"Đơn vị thi công vẫn đang bảo đảm đúng tiến độ thi công dự án trên và dự kiến đến cuối tháng 6-2017 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chúng tôi vẫn theo dõi sát để lên phương án tổ chức giao thông phù hợp, không để xảy ra tắc nghẽn" - ông Ninh khẳng định.
Theo Thanh tra Sở GTVT, trong quá trình thi công công trình, rất nhiều nhà thầu vi phạm với các lỗi như thi công không có giấy phép; không biển báo, rào chắn; để vật liệu, phương tiện ngoài phạm vi thi công; không hoàn trả phần đường khi thi công xong... Chỉ tính từ ngày 3 đến 16-4, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản xử phạt 128 trường hợp vi phạm với số tiền 130 triệu đồng. Đồng thời, lực lượng này cũng nhắc nhở 40 trường hợp về tình trạng rào chắn, biển báo thi công... không đúng quy định.
Trước tình trạng trên, một số chuyên gia giao thông cho rằng hình thức xử phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Do đó, với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần thì nên xem xét cấm tham gia thi công các dự án trên địa bàn.
Tổng kiểm tra hệ thống rào chắn
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết các thủ tục hành chính liên quan đến việc thi công công trình trọng điểm được sở cũng như TP nỗ lực đẩy nhanh nên nhiều dự án đã đồng loạt triển khai. Để hạn chế ảnh hưởng bởi "lô cốt" trong thời gian tới, Sở GTVT phối hợp với lực lượng CSGT, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP... lên nhiều phương án như tổng kiểm tra toàn bộ hệ thống rào chắn, lắp biển báo từ xa, cũng như tái lập mặt đường đúng quy định ở những khu vực đã thi công xong.
Bình luận (0)