xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lo mất thương hiệu cá ngừ Việt Nam

Bài và ảnh: Hồng Ánh

Giá cá ngừ đại dương lao dốc trong thời gian qua một phần do chất lượng cá câu đèn thấp, một phần do nhiều tàu cá làm các nghề khác ồ ạt chuyển sang nghề câu đèn, sản lượng cá câu đèn đánh bắt được nhiều đã đẩy cung vượt cầu

Ngày 21-6, tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị bàn về giải pháp tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ đại dương ở 9 tỉnh, thành ven biển từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, nội dung quan trọng là đánh giá lại nghề câu đèn đã phát triển ồ ạt trong thời gian qua.

img
Hàng loạt tàu câu đèn ở tỉnh Bình Định nằm bờ vì giá cá thấp, thua lỗ

Kéo giá cá lao dốc, mất thi trường

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) vừa có kết luận chính thức về chất lượng và giá cá câu đèn bị thấp. Theo đó, khi câu đèn (dùng ánh sáng công suất lớn chiếu xuống biển dụ cá ngừ đại dương theo đàn mực tập trung dưới tàu để câu), cá được bắt lên từ độ sâu lớn, trung bình 100 m, thời gian thu câu ngắn; cá bị thay đổi đột ngột về áp suất, nhiệt độ, lại vẫy vùng mạnh, phát sinh các chất như acid lactic, histamin làm giảm chất lượng thịt cá, độ kết dính thịt cá giảm và có vị chua.

"Chất lượng cá câu đèn thấp đã từng bước đánh mất thị phần ở 2 thị trường lớn tiêu thụ cá ngừ ăn tươi là Nhật Bản và Mỹ" - ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cho biết.

Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần thủy sản Bình Định, cho biết bà đã chọn trong số 100 con cá ngừ đại dương câu đèn ra 3 con đẹp nhất làm mẫu để gửi sang một công ty nhập khẩu cá ngừ đại dương ở Nhật nhưng họ chỉ chấp nhận được một con ăn tươi cùng với lời khuyến cáo không thể xuất khẩu cá câu đèn để ăn tươi. Đó là cách lý giải vì sao năm 2012, Indonesia xuất 39 tấn cá ngừ đại dương ăn tươi sang Nhật Bản, trong khi Việt Nam chỉ có 1,3 tấn.

Theo Tổng cục Thủy sản, giá cá ngừ đại dương lao dốc trong thời gian qua một phần do chất lượng cá câu đèn thấp, một phần do nhiều tàu cá làm các nghề khác ồ ạt chuyển sang nghề câu đèn, sản lượng cá câu đèn đánh bắt được nhiều đã đẩy cung vượt cầu ở phân khúc thị trường cá có chất lượng thấp. Từ một số ngư dân tỉnh Bình Định bắt chước nghề câu đèn từ ngư dân Trung Quốc vào cuối năm 2011, đến nay trong tổng số hơn 3.700 tàu câu cá ngừ đại dương của cả nước đã có gần 50% hành nghề câu đèn. Giá cá câu đèn cũng liên tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg.

"Nếu không có biện pháp thì không những giá cá thấp, ngư dân không sống được mà khoảng 4 năm nữa cũng chẳng còn cá để câu"- ông Hồ Thanh Tân, chủ tàu cá BĐ-95778-TS ở xã Tam Quang Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, lo lắng. Còn ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, băn khoăn: "Không khéo chúng ta sẽ đánh mất thương hiệu cá ngừ Việt Nam".

Chưa thể cấm câu đèn

Một vấn đề được đặt ra hiện nay là có cấm hay không nghề câu đèn. Hiện Bình Định vẫn là tỉnh dẫn đầu về số tàu hành nghề câu đèn với hơn 1.000 tàu.

Ông Nguyễn Duy Lâm, Trưởng phòng Thủy sản Sở NN-PTNT tỉnh Bình Địn, cho biết hiện nhiều tàu cá ở tỉnh này đang gặp khó khăn vì thua lỗ do giá cá thấp, sản lượng đánh bắt cũng ít dần. Tuy nhiên, không thể cấm nghề câu đèn. "Nếu cấm thì họ biết chuyển sang nghề nào để kiếm sống vì nghề nào cũng cần phải có sự đầu tư lớn về ngư lưới cụ" - ông Lâm nói và thừa nhận thiếu sự quản lý về mặt nhà nước khi để nghề câu đèn ồ ạt phát triển tự phát như thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Đẩu, quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý - Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho rằng dù giá cá thấp nhưng hiện tại ngư dân vẫn thấy câu đèn đạt sản lượng, chi phí thấp nên nếu cấm hẳn 133 tàu câu cá ngừ đại dương của tỉnh này là điều rất khó.

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, bộ đã cân nhắc rất nhiều việc cấm hay không nghề câu đèn nhưng chưa thể cấm vì không có cơ sở pháp lý, chỉ có thể hạn chế không để phát triển thêm mà thôi. Hiện Bộ NN-PTNT khuyến khích các tỉnh vận động số tàu câu đèn có điều kiện chuyển lại nghề câu vàng truyền thống, hạn chế không để số tàu câu đèn tăng thêm. Mặt khác, phải nâng cao trình độ kỹ thuật trong việc thu câu và bảo quản cá ngừ đại dương để nâng chất lượng và giá cá câu đèn.

Bảo vệ an toàn ngư dân trên biển

Ông Vũ Văn Tám cho biết việc bảo vệ an toàn cho ngư dân trên biển hiện nay là mối quan tâm lớn. Bộ NN-PTNT đang triển khai các chính sách để phát triển các tổ đội đoàn kết trên biển, đề xuất với Chính phủ đề án thông tin giai đoạn 2 nhằm trang bị các thiết bị thông tin hiện đại nhất để ngư dân sớm nhận được các thông tin cảnh báo về những bất trắc, rủi ro trên biển và hướng dẫn cách phòng tránh.

Khai thác cá ngừ đại dương là một nghề sinh nhai của hàng chục vạn hộ dân nhưng cũng là nghề đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Cùng với Lực lượng Kiểm ngư đang được thành lập, các lực lượng chức năng khác, việc trang bị thêm các thiết bị thông tin kịp thời sẽ giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo