Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú (TP HCM) đã ra quyết định tạm giữ 10 thanh thiếu niên do cùng sát hại 1 nam công nhân do mâu thuẫn khi cùng làm việc ở một khu xưởng may mặc. Đáng nói, trong số 10 đối tượng, có 1 thiếu nữ mới 14 tuổi.
Ngày càng manh động
Cách đây không lâu, Đội Hình sự Đặc nhiệm hướng Nam thuộc Công an TP HCM cũng đã bàn giao 2 đối tượng T.V.T (18 tuổi; có 1 tiền án tội trộm cắp tài sản) và N.T.N.N (17 tuổi; cùng ngụ quận 4, TP HCM) cho Công an quận 7 để điều tra tội "Cướp giật tài sản". Dù tuổi còn rất trẻ nhưng cả hai đều nghiện ma túy đá nặng, thường xuyên cướp giật tài sản người đi đường tại quận 7 để mua ma túy đá. Khi bị cảnh sát truy đuổi, hai đối tượng này liên tục ép, đạp xe trinh sát và chống trả quyết liệt.
Theo dõi tin tức thời sự hằng ngày, không khó để nhận ra những vụ án mà đối tượng phạm tội có tuổi đời còn rất trẻ như những vụ án nêu trên. Càng đáng ngại hơn khi các đối tượng này hành động rất manh động, táo tợn và chuyên nghiệp, không chỉ là mối lo ngại cho người dân mà còn để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội.
Thống kê của VKSND TP HCM cho thấy trong năm 2017, Cơ quan CSĐT Công an 2 cấp đã khởi tố 266 vụ án do các đối tượng vị thành niên (VTN) gây ra, VKSND TP đã truy tố 213 bị can. Các tội nghiêm trọng và cả đặc biệt nghiêm trọng cũng đều có sự tham gia của các đối tượng VTN như cướp giật, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, giết người, tội phạm về ma túy…
Theo đánh giá tổng thể trên phạm vi toàn quốc của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục C64) thuộc Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do trẻ VTN gây ra vẫn diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ phạm tội nguy hiểm hơn, gây nên những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đặc biệt, tại các TP lớn, tỉ lệ trẻ VTN vi phạm pháp luật và phạm tội chiếm tỉ lệ cao hơn và có chiều hướng tăng nhanh hơn.
Phiên tòa giả định được tổ chức tại một trường học ở TP HCM
Phải ngăn chặn từ đầu
Từng có nhiều năm công tác trong lĩnh vực trẻ VTN phạm tội, luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ trẻ em TP HCM, cho rằng với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, tội phạm VTN cũng tăng nhanh chóng. Rất nhiều vụ án mà các đối tượng chỉ cần quen nhau một vài ngày, nói chuyện một vài lần qua Facebook là đã có thể rủ rê nhau đi hỗn chiến, mua bán ma túy, đi khách sạn… Khi dựng lại hiện trường, nhiều đối tượng đã diễn lại cảnh giết người một cách bình thản; khi công an lấy lời khai thì khuôn mặt các em lạnh lùng, chai sạn, không thấy đau buồn, ăn năn.
"Để trẻ em rơi vào cảnh tù tội, trước tiên trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về gia đình. Rất nhiều trẻ chửi thề, ăn nhậu nhưng cha mẹ ngó lơ, không kiểm soát giờ giấc sinh hoạt của con. Rất nhiều vụ khi tôi xuống tìm hiểu, tổ trưởng dân phố cho biết thấy các em rượu chè, bài bạc đã nhiều lần cảnh báo gia đình nhưng cha mẹ không quan tâm, còn nói chúng tôi đặt điều. Để kéo giảm tội phạm VTN, phải có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu chứ không thể để ra hậu quả mới giải quyết" - LS Nữ bức xúc.
Theo thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10 (TP HCM), có một thực tế là một bộ phận không nhỏ người chưa thành niên thích hưởng thụ, đòi hỏi quá cao về nhu cầu vật chất không phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình, dẫn đến vi phạm pháp luật. Một số khác dù còn nhỏ tuổi vẫn được cha mẹ mua xe phân phối lớn để đi lại. Có được phương tiện "ngon lành" thì việc tụ tập bàn cách cướp giật diễn ra rất nhiều.
Bên cạnh đó, các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội, những quan điểm lệch lạc đầy rẫy trên mạng xã hội cũng đã tác động tiêu cực đến lối sống của không ít người, trong đó có trẻ VTN. Trong khi đó, gia đình thiếu quan tâm, các ngành, các cấp chính quyền chưa coi trọng đúng mức và chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác phòng chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên. Công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật về bảo vệ, giáo dục trẻ em nói riêng chưa được chú trọng…
Đưa pháp luật xuống trường học
LS Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng cần đưa những vấn đề về pháp luật xuống tận trường học để tuyên truyền cho học sinh. Thực tế, nhiều học sinh rất sợ khi đối mặt với luật pháp, trại giam nhưng lại mơ hồ về kiến thức pháp luật cơ bản.
"Ngành giáo dục nên đẩy mạnh triển khai thực hiện các mô hình như tiết pháp luật, sinh hoạt pháp luật..., qua đó nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật cho học sinh" - LS Thi gợi ý.
Bình luận (0)