Những ngày qua, dư luận đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi hàng loạt cán bộ CDC Hà Nội bị bắt giam vì thông đồng với doanh nghiệp (DN) nâng khống giá trị máy xét nghiệm. Một số tỉnh thành khác cũng mua hệ thống máy xét nghiệm có giá tương tự máy mà CDC Hà Nội mua, thậm chí cao hơn; khi sự việc bị phát giác, hàng loạt tỉnh thành đã đi thương lượng với DN để hạ giá, thậm chí có tỉnh còn nói máy được doanh nghiệp cho mượn…
Ngay tại tỉnh Quảng Nam, khi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Thanh tra tỉnh vào cuộc thanh tra việc mua hệ thống máy xét nghiệm, thì Giám đốc Công ty CP Thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt DN tuyên bố hạ giá máy từ 7,23 tỉ đồng xuống còn 4,583 tỉ; còn Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thì bật khóc, nói rằng muốn trả lại máy.
Việc mua sắm máy móc, chưa rõ đúng sai thế nào và đang chờ kết luận thanh tra. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra đối với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, mà cụ thể là Sở Y tế, Sở Tài chính với đủ các cơ quan ban bệ phục vụ, thì việc mua sắm này đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Thiếu năng lực thẩm định giá máy hay quá "ngây thơ" nên bị DN qua mặt, nâng giá?
Máy xét nghiệm 7,23 tỉ đồng ở Quảng Nam
Về phía DN bán máy, sau khi sự việc bị dư luận lên tiếng, chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thanh tra vào cuộc thì đã đồng ý giảm giá đến tận hơn 2 tỉ đồng bởi sau khi đàm phán lại, công ty nhập khẩu đồng ý giảm giá và DN giảm tỉ suất lợi nhuận xuống còn 0% "như một sự đóng góp nhỏ bé để cùng chung tay phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam".
Đồng ý là thuận mua vừa bán, buôn bán phải có lời nhưng sao ngay từ đầu, công ty không đàm phán với bên nhập khẩu để có mức giá tốt nhất có thể? Ý thức rõ việc chung tay với tỉnh nhà phòng, chống dịch, sao ngay từ đầu công ty không tự nguyện giảm tỉ suất lợi nhuận thấp nhất mà phải đợi khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc?
Như đã nói ở trên, sự việc đang được thanh tra. Những người liên quan nếu có sự thông đồng, đẩy giá để chiếm đoạt tiền của nhà nước hoặc hoàn toàn không có động cơ vụ lợi, chỉ vì thẩm định yếu kém mà có nguy cơ làm thất thoát tiền của nhà nước, của nhân dân, thì cũng đều khó tránh khỏi trách nhiệm pháp lý.
Thế nhưng, để chung tay cùng Chính phủ phòng, chống Covid-19, trong đó có cả việc mua sắm thiết bị, vật tư y tế…, nhiều học sinh đập heo đất ủng hộ; không ít cụ ông, cụ bà tóc đã bạc, chân đã run dành toàn bộ số tiền tiết kiệm để cùng góp sức; nhiều CB-CNV dù vẫn khó khăn, thách thức vẫn chia sẻ với hình thức đóng góp 1-2 ngày lương… Những đồng tiền do người dân chắt chiu có được lại bị một số người nhân đại dịch mà "đục nước béo cò". Hành vi ấy thật sự nhẫn tâm và tàn ác. Nguy hiểm hơn còn là làm giảm đi niềm tin trong nhân dân. Tiền bạc, vật chất bị mất có thể khắc phục nhưng để mất niềm tin của người dân thì đó là tội lớn.
Bình luận (0)