Kể từ khi bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) được hình thành (năm 1999) đến nay đã có tới 8 lần dân chặn xe rác. Riêng trong năm 2019, đã có ít nhất 3 đợt. Mỗi lần như vậy, người nội thành khổ sở vì hàng ngàn tấn rác dồn ứ, bốc mùi giữa phố.
Câu chuyện ở Nam Sơn không phải là cá biệt bởi hiện nay, các khu xử lý rác thải ở nhiều địa phương khác cũng đang quá tải. Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng mạnh ở các đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Theo thống kê của Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, mỗi năm cả nước phát sinh thêm khoảng 25.000 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện nay, tỉ lệ thu gom, xử lý rác đô thị khoảng 85%, rác nông thôn chỉ thu gom được khoảng 55%. Phương án xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp (70%), dường như chưa địa phương nào có mô hình xử lý chất thải rắn hoàn thiện để rác được tái chế, thành tài nguyên.
Nguyên nhân chính của thực trạng khủng hoảng rác tại các đô thị hiện nay, xuất phát từ việc rác đã không được phân loại tại nguồn hoặc nếu có thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ thử nghiệm, nặng về hình thức chứ chưa áp dụng triệt để.
Có thể thấy điểm chung của những quốc gia xử lý rác hiệu quả đều xuất phát từ ý thức của người dân qua sự tự giác và tinh thần trách nhiệm cao với việc phân loại rác. Xúc tiến cho các nhà máy đốt rác, tái chế rác là chuyện của nhà nước nhưng phân loại rác là chuyện của mỗi nhà, mỗi người. Nếu không có sự thay đổi từ người dân, dù công nghệ xử lý rác có hiện đại bao nhiêu cũng khó phát huy tối đa tác dụng và khó tiết kiệm kinh phí xử lý rác.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, rác thải thực sự là tài nguyên chứ không hề là gánh nặng cho ngân sách. Như ở Thụy Điển: 52% lượng rác thải được đốt để sản xuất nhiệt, điện; 47% được tái chế và chỉ 1% rác thải phải chôn lấp. Tại Áo đã phát triển một giải pháp công nghệ cao, sử dụng enzim một loại nấm để tái chế nhựa PET. Dưới tác động của enzim, nhựa PET sẽ bị phân hủy thành phân tử và sau đó có thể dễ dàng chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao. Rác thải tại Nhật được quản lý có chiều sâu, từ ý thức phân loại, đổ rác đúng nơi của người dân, đến việc đốt rác triệt để bằng công nghệ CFB (đốt hóa lỏng tầng sôi). Rác sẽ bị tiêu hủy hết trong thời gian rất nhanh, kể cả những vật liệu khó phân hủy.
Rác sẽ là nguồn tài nguyên vô giá nếu được xử lý, tái chế bằng những phương pháp phù hợp, thân thiện với môi trường. Đó còn là trách nhiệm của mỗi người dân trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống.
Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng từ việc vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn; ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có khả năng tái chế; chế tài đủ sức răn đe với các cá nhân, tổ chức thiếu ý thức bảo vệ môi trường; nhanh chóng áp dụng các công nghệ xử lý rác thải tiên tiến nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lượng rác hữu cơ buộc phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp.
Bình luận (0)