Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều nhân vật có những phát ngôn lệch chuẩn, tục tĩu, vô văn hóa. Có nhiều người bị xử phạt hành chính và một số người đã bị luật pháp nghiêm trị. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có buổi trò chuyện với Thượng tọa Thích Nhật Từ (Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, Trụ trì chùa Giác Ngộ) về những vấn đề liên quan đến phát ngôn trên mạng xã hội và làm sao tránh được những trường hợp bị nói xấu, quy chụp.
*Thưa Thầy, Thầy nhìn nhận như thế nào về những phát ngôn lệch chuẩn trong thời gian qua trên mạng xã hội?
Thượng tọa Thích Nhật Từ
Hòa thượng Thích Nhật Từ: Có hai dạng phát ngôn đó là phát ngôn xấu và phát ngôn thiện. Phát ngôn thiện là nói những điều có lợi ích, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người nghe nói chung và con người được đề cập đến nói riêng. Còn phát ngôn xấu thường do người phát ngôn có tâm địa xấu, do giận dữ, do bản chất con người thô tục hoặc do tính chất không thiện lành nên nói những lời lẽ đó.
Nhiều người lên mạng xã hội nói lời xúc phạm, gây thương tổn làm cho người được đề cập dễ trầm cảm, đó là mặt trái của mạng xã hội. Chúng ta nên tận dụng mạng xã hội để kết nối văn hóa, kết nối tri thức, kết nối thông tin, chia sẻ những giá trị cao quý của con người để làm cho cuộc sống, văn hóa, tinh thần và tri thức của con người trở nên phong phú hơn.
* Thưa Thầy, khi bị nói xấu trên mạng, cần ứng xử ra sao?
Có hai cách ứng xử với những lời lẽ cay nghiệt trên mạng xã hội. Nếu mình là nạn nhân trực tiếp bị đề cập đến một cách sai sự thật, thậm chí xúc phạm, thì có 2 trường hợp: nếu người đó có địa chỉ cụ thể, chúng ta yêu cầu họ tháo gỡ thông tin rồi tha thứ, bỏ qua. Nếu họ cố chấp, tùy mức độ mà nhờ luật pháp can thiệp để đảm bảo công bằng.
Làm gì khi bị nói xấu trên mạng xã hội?
Trong trường hợp người phát biểu nói ám chỉ, lấy nick giả, tốt nhất xem như họ không nói đến mình. Cách ứng xử này sẽ làm cho chúng ta không chìm đắm trong nỗi khổ niềm đau.
Đối với các nhà báo, nếu phát hiện các phát ngôn không phù hợp với luật pháp, nên lên tiếng mang tính xây dựng sẽ giúp cho cộng đồng ý thức được ranh giới người sử dụng mạng xã hội với quyền tự do ngôn luận được luật pháp bảo hộ, tự do nhưng phải tôn trọng danh dự của người khác.
*Làm sao để kềm chế cơn giận, không lên mạng nói bậy?
Đang lúc chúng ta mất kiểm soát, nóng giận thì tốt nhất không nên nói gì vì những phát ngôn lúc này không giúp gì được mà chỉ làm chúng ta "đã nư" thôi. Những lời thô tục, chửi bới, thóa mạ sẽ gây thương tổn đến người bị đề cập đến dù là ám chỉ hay đề cập trực tiếp.
Lúc giận không nên phát ngôn điều gì
Đồng thời, chúng ta phải nhận thức rằng ai cũng thích nghe lời lịch sự, lễ phép, không muốn nghe những lời kém văn hóa, nên cần đặt mình trong tình huống người nghe. Nếu lỡ chúng ta có những phát ngôn không lịch sự, hãy xóa ngay và gửi lời xin lỗi đến người bị thương tổn, hạn chế tối đa việc phát ngôn bất cẩn.
*Nhiều người trưởng thành, có địa vị, nổi tiếng nhưng phát ngôn tục tĩu, Thầy nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đứng từ góc độ luật pháp, họ có suy nghĩ việc nói tục luật pháp không cấm nên được quyền phát biểu. Tuy nhiên, có những cái đúng về luật pháp nhưng không đúng về góc độ văn hóa và mối quan hệ gắn kết tình người.
Cho nên ngoài góc độ pháp luật thì phát ngôn trên mạng xã hội phải đứng ở góc độ đạo đức và kết nối văn hóa. Nếu một người nổi tiếng nói lời ái ngữ thì sẽ làm cho xã hội tôn trọng hơn, họ sẽ được cộng đồng kính trọng, quý mến.
Còn người nổi tiếng nói lời kém văn hóa, không phản ánh được giá trị tri thức của con người thì lúc đó phát ngôn đó khó chấp nhận về phương diện văn hóa và đạo đức.
Người càng nổi tiếng thì càng cẩn ngôn tránh những bản sao xấu trong cộng đồng
Bất cứ một phát ngôn nào, không riêng gì người nổi tiếng trong cộng đồng mà tất cả mọi người cần phải đề cao tính đạo đức, tính văn hóa trong truyền thông.
Có những phát ngôn bất cẩn thì dễ tha thứ còn những phát ngôn bất chấp, thách thức, dùng lời lẽ không đẹp lòng thì nó sẽ để lại tấm gương xấu, để lại hậu quả nghiêm trọng.
Là người nổi tiếng thì phát ngôn của mình sẽ trở thành xu hướng và lan truyền rất nhanh cho nên càng phải cẩn thận.
*Thành công trong một lĩnh vực là điều không dễ nhưng nhiều người tự đạp đổ thành tựu của mình bằng những phát ngôn kém văn hóa, trong trường hợp này quan điểm của thầy như thế nào?
Sự thành công trong một lĩnh vực cần phải có sự đào luyện, nỗ lực để được tỏa sáng, số lượng người có thành tựu lên đến đỉnh cao thì rất ít. Cho nên khi may mắn được thành đạt thì nên quý trọng tên tuổi của mình, tạm gọi là phước.
Phước phải được tiếp tục gieo trồng, danh dự phải tiếp tục gìn giữ, giá trị phải được vun đắp. Cần tận dụng sự thành công trong nghề nghiệp để tạo ra những giá trị trong cộng đồng.
Có được thành công phải luôn vun trồng, nuôi dưỡng và tránh phát ngôn tổn thương
Để xây dựng uy tín trên mạng xã hội thì những gì không biết chắc chắn, không nên nói; nói với tâm xây dựng để tạo ra tính nối kết cộng đồng; nói lời lịch sự, văn hóa, không ám chỉ và không nói những điều không có giá trị.
Nếu tuân thủ các nguyên tắc này thì những người nổi tiếng sẽ lan tỏa giá trị cao quý của họ đến cộng đồng. Nên nhớ rằng một lời thô tục sẽ khiến những thành tựu của người nổi tiếng bị xóa sạch ngay lập tức.
*Quan điểm của thầy về người làm nghề đầu bếp nhưng ăn nói tục tĩu, bậy bạ?
Tên tuổi đầu bếp nổi tiếng là nhờ họ có nhạy cảm giác quan liên quan đến vị giác để tạo ra các món ăn ngon. Người làm đầu bếp cũng giống như bao người khác, họ cũng có cái lưỡi để nói.
Đầu bếp phải cẩn thận với phát ngôn của mình
Nếu đầu bếp giỏi chiều chuộng vị giác của thực khách, làm cho họ hài lòng khi ăn món ăn do mình nấu ra thì cũng cần quan tâm đến lời nói của mình đối với người nghe. Để lời nói của mình đi ngược lại với sự chiều chuộng vị giác của thực khách thì rất đáng tiếc.
Nên nhớ cái lưỡi làm cho người ta hài lòng nhưng cũng là nơi làm cho người ta đau khổ, trầm cảm.
Nấu đồ chay nhưng nói tục tĩu thì mất hết giá trị
Thực phẩm chay là nuôi dưỡng tâm từ bi, bảo vệ quyền bình đẳng sự sống của các loài động vật. Nếu người nấu đồ chay có phát ngôn thiếu chuẩn mực thì hạt giống từ bi sẽ bị mất đi, dĩ nhiên người ăn sẽ không bị ảnh hưởng gì nhưng giá trị và ý nghĩa của người nấu đồ chay sẽ không còn. Cho nên người nấu thực phẩm chay cần làm chủ phát ngôn của mình hơn.
Lời khuyên nào cho những người lỡ phát ngôn làm tổn thương cho người khác trên mạng xã hội?
Cần tự xin lỗi trước khi luật pháp can thiệp, thể hiện sự giác ngộ của chúng ta. Xin lỗi không phải là điều quá khó, hãy mạnh dạn nói lời xin lỗi để chúng ta thiết lập tình người, đặc biệt là những người bị chúng ta xúc phạm.
Tôi tin chắc rằng bằng sự rộng lượng, người bị tổn thương sẽ bỏ qua. Xin lỗi chân thành sẽ giúp xây dựng lại mối quan hệ tình người, khép lại quá khứ, đầu tư hiện tại, hướng đến tương lai. Xin lỗi sẽ làm tâm mình thanh tịnh, an lạc và hạnh phúc hơn.
Bình luận (0)