Đó là chia sẻ của TS xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính quốc gia TP HCM), kết thúc diễn đàn “Cứu người khó quá!” trên Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-2.
* Phóng viên: Thưa TS, thời gian qua đã từng xảy ra một số chuyện vì cứu người mà rước họa vào thân hoặc làm việc tốt mà bị nghi ngờ, bị tổn thương. Ở góc độ xã hội, bà nhìn nhận sự việc này ra sao?
- TS Phạm Thị Thúy: Chúng ta vẫn tiếp tục cứu người. Người cần cứu mới là người ta cần quan tâm nhất. Lòng tốt luôn có giá trị cao nhất dù có bị hiểu lầm, nghi ngờ. Khi làm việc tốt, mỗi người sẽ nhìn thấy viên ngọc sáng lấp lánh trong tâm mình. Nghe có thể hơi sách vở nhưng bản thân tôi tin sớm hay muộn những vết bẩn bên ngoài viên ngọc sẽ được rửa sạch, điều thiện lành sẽ được trân trọng, bảo vệ.
Cội nguồn của lòng tốt là cái tâm “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”. Nếu thấy cần làm gì giúp ai đó, chúng ta hãy cứ làm thôi. Tôi luôn tin người tốt sẽ được bảo vệ và luôn hạnh phúc vì họ giúp được ai đó mà không mong cầu bất cứ điều gì cho mình. Đó cũng là cấp độ cao nhất của hạnh phúc, sẻ chia, cho đi từ mong muốn, trái tim của mình.
* Nhiều ý kiến cho rằng những thông tin tiêu cực, thậm chí rùng rợn, phản cảm được mạng xã hội, báo chí khai thác tràn lan cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người hoài nghi, cảnh giác với lòng tốt của người khác hoặc ngần ngại giúp đỡ người khác...
- Những thông tin báo chí, mạng xã hội đưa lên với ý nghĩa cảnh giác, giúp người ta đề phòng cái xấu, không bị thiệt hại… thì rất cần thiết. Ngược lại, nếu để câu view mà tìm kiếm những câu chuyện tiêu cực trong xã hội, tô vẽ những gam màu đen tối, cố tình mô tả quá sâu cái ác…, chẳng khác nào chúng ta đang cổ xúy cái xấu, gieo vào lòng người những suy nghĩ tiêu cực, sự hoang mang, hoài nghi.
Tất nhiên, người có tâm tốt, dù thế nào thì khi thấy chuyện bất bình, nguy hiểm, họ vẫn sẵn sàng ra tay. Đáng lo là trong cuộc sống không ít người, nhất là các bạn trẻ, chưa có cơ hội trải nghiệm cảm giác hạnh phúc được giúp ai đó thoát khỏi khó khăn, trước những thông tin “làm phúc phải tội”, có thể e ngại, chùn bước hoặc trở nên ích kỷ, vô cảm hơn.
* Vậy theo bà, chúng ta nên làm gì để có thể vừa giúp được người mà bản thân không bị tổn thương?
- Tôi muốn nói thêm rằng cuộc sống hiện đại khiến con người chịu nhiều áp lực, dường như ai cũng rất căng thẳng, luôn trong trạng thái như một cái nồi áp suất chờ xì rất nguy hiểm. Cảm xúc bực bội dồn nén, tích tụ khiến người ta dễ trút ức chế vào người khác, cho dù là người thân trong gia đình hay người không quen biết. Chỉ cần một lỗi, một cái cớ rất nhỏ, họ cũng có thể xông vào cãi vã, đánh người cho hả giận như “giận cá chém thớt”.
Vậy nên, biết tự bảo vệ bản thân là trách nhiệm của mỗi người với chính mình. Kỹ năng phòng vệ là một kỹ năng sống còn. Nguy hiểm luôn có thể xảy ra bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Chúng ta cần học cách quan sát, nhận diện nguy hiểm để tránh; học cách tự vệ để bảo vệ thân thể; học cách chạy để thoát thân; học cách phối hợp với mọi người xung quanh để cùng giúp người hoạn nạn… Sức mạnh tập thể bao giờ cũng mạnh hơn trước các rủi ro, bị vu oan, kiện cáo… An toàn cho mình mới có thể giúp được người khác. Thế nhưng, nếu quá coi trọng sự an toàn cho bản thân thì rất khó vượt lên hiểm nguy để cứu người.
Dưới góc độ quản lý, nhà nước cần coi trọng công tác an ninh trật tự và an toàn xã hội cũng như giáo dục tuyên truyền. Cần sớm có những quy định rõ về mặt pháp lý để bảo vệ người tốt, xử phạt những kẻ đánh người và cả những kẻ “mượn gió bẻ măng” đưa tin thất thiệt gây dao động lòng người. Đây là trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo vệ sự an toàn cho người dân, đồng thời lan tỏa điều tốt trong xã hội.
Để không bị hiểu lầm, làm hại, đòi hỏi chúng ta có kỹ năng phòng vệ, bảo vệ sự an toàn cho chính mình khi xảy ra sự việc và trước pháp luật sau này.
Bình luận (0)