Trong căn phòng sạch sẽ, khang trang ở tầng trệt ngôi nhà số 3 hẻm 1283 Huỳnh Tấn Phát (phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM), cô giáo Trần Thị Biết ngày ngày “đánh vật” với các học trò đủ mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh và tính cách.
“Cả lớp hiện có 21 học sinh (HS), mỗi em mỗi tuổi nên tôi phải dạy kèm từng em. Các em nhỏ nhất, khoảng gần 10 HS, được ngồi bàn trên, gần bảng hơn, lo rèn chữ, học toán. Các em lớn hơn ngồi phía sau, mỗi người học một giáo trình khác nhau” - cô Biết nói.
Cô Biết và các bé trong lớp học tình thương
Ngày mới giải phóng, khi đó cô Biết 22 tuổi, nhận dạy xóa mù chữ, dạy bổ túc. Sau đó, cô tham gia giảng dạy ở thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè) suốt 30 năm; đến năm 2007, cô về hưu. Rời trường, không nghỉ một ngày, cô Biết liền mở lớp tình thương.
Để HS có chỗ học tươm tất hơn, năm 2008, gia đình cô sửa lại nhà. Để ý thấy đứa trẻ nào có hoàn cảnh khó khăn, lang thang trên hè phố hoặc sinh sống ở Campuchia theo ba mẹ về Việt Nam nhưng đến tờ giấy khai sinh cũng không có…, cô gọi tới nhà dạy miễn phí. Mười năm cô về hưu, đã có 200 HS bước ra từ lớp học tình thương của cô.
Hằng ngày, lớp học cô Biết mở cửa từ 14 giờ, các em được học tới 17 giờ. Lớp học tình thương của cô còn đón các sinh viên về dạy kèm trong 3 tháng hè. “Những năm gần đây, nhiều mạnh thường quân biết lớp học tình thương của tôi nên đến cho quà, ủng hộ gạo, quần áo cũ, tập vở, dụng cụ học tập… Có điều nhất định không ai chịu cho ghi tên” - cô Biết xúc động.
Trong lớp có bé Ngô Thị Tiên mồ côi cha từ nhỏ, mẹ người Khmer đi làm ăn xa, ông bà nội già yếu và quá khó khăn, không lo được cho bé đi học; bé Ngọc Châu sinh ra trong một gia đình có tới 10 người con, kiếm ăn còn không đủ nên cha mẹ cũng không cho đi học… Những trường hợp đó, cô Biết gọi đến lớp học tình thương của mình, vừa dạy kiến thức vừa tặng thêm áo quần cho bé. Đặc biệt, bé Nguyễn Thị Hồng Thắm (13 tuổi) bị chậm phát triển, cô Biết phải kiên trì kèm sát nhiều năm liền mới biết đọc, biết viết. Lo cơ thể bé phát triển nhưng đầu óc vẫn chỉ như trẻ nhỏ, cô Biết thường xuyên nhắc nhở mẹ bé phải để ý con nhưng vì mẹ bé Thắm cũng là bệnh nhân ung thư nên mọi việc chăm sóc, ngó chừng Thắm, cô Biết vẫn phải lo. Cô còn xin trợ cấp từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận để yên tâm phần nào cho tương lai của bé.
Ông Nguyễn Văn Thơ, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phú Thuận, cho biết: “Phường Phú Thuận có 2 lớp học tình thương. Lớp học của cô Biết ở khu phố 4, còn bên khu phố 2 có lớp của cô Nguyễn Thị Thiền nhưng quy mô nhỏ hơn, chừng khoảng 10 em. Chúng tôi có danh sách cụ thể, chia làm 2 trường hợp, nếu học sinh nghèo nhưng học tốt thì được tặng học bổng khuyến học từ quỹ do chúng tôi vận động từ các mạnh thường quân. Các bé không chỉ nghèo mà còn không thể đến trường vì nhiều nguyên nhân thì chúng tôi đưa về 2 lớp học tình thương miễn phí của cô Thiền và cô Biết. Cả hai cô đều là giáo viên về hưu, rất yêu nghề, yêu trẻ. Mỗi ngày ghé thăm, nghe tiếng trẻ bi bô ở lớp học tình thương của hai cô mà thấy ấm lòng” - ông Thơ nói.
Bình luận (0)