Các đoàn thám hiểm hang động cũng đã hỗ trợ bằng việc đưa thiết bị hiện đại để soi vào những hang đá mà thi thể có khả năng bị kẹt nhưng do từ đó đến nay luôn có mưa lớn, nước suối rất đục nên vẫn không có kết quả.
Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, cho biết anh Sơn có vợ và một con nhỏ, gia đình rất nghèo, chủ yếu sống bằng nghề ruộng rẫy và lượm củi. Ngày 1-11, anh cùng một người bạn trên đường lượm củi về thì gặp mưa lớn, nước dâng cao. Người bạn may mắn thoát chết, còn anh Sơn bị lũ cuốn trôi. Vị trí anh Sơn gặp nạn cách trung tâm xã miền núi này 40 km, núi non hiểm trở nên từ đó đến nay, mỗi ngày đều có vài chục người của các lực lượng hỗ trợ tìm kiếm nhưng đều không kết quả.
Lán trại dựng tạm trong rừng sâu phục vụ lực lượng cứu hộ tìm thi thể anh Sơn
Chị Phạm Thị Hồng (SN 1989, vợ anh Sơn) đã không còn nước mắt để khóc chồng. Mẹ con chị hằng ngày thẫn thờ ngồi trong cái lán giữa rừng được các lực lượng dựng tạm để làm nơi nghỉ ngơi giữa các đợt tìm kiếm. Ở đó có một bàn thờ nho nhỏ để chị hương khói cầu nguyện cho chồng.
Trên đường đến hiện trường, ai đi ngang qua căn nhà vá víu xiêu vẹo của vợ chồng chị Hồng cũng không khỏi ngậm ngùi. Trường Tiểu học Sơn Trạch 2, nơi cháu Hà Phạm Sam Sung (SN 2010, con anh Sơn) đang học, cho biết cháu bị bệnh ngoài da nhưng rất ngoan. Từ ngày mất cha, cháu hay hoảng loạn tinh thần dù các thầy cô giáo và các bạn luôn động viên, chia sẻ.
Gia đình anh Sơn ở quá xa đường lớn, các đoàn cứu trợ lại gần như chỉ phát hàng, quà trực tiếp tận tay người nhận chứ không qua địa phương. Vì thế, ông Nguyễn Công Trứ cho biết ngoài chính sách của nhà nước hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân chết trong lũ, mẹ con chị Hồng nhận được rất ít sự giúp đỡ của các đoàn cứu trợ. Sơn Trạch là một trong những xã còn rất khó khăn của tỉnh Quảng Bình. Trong 3 đợt lũ liên tiếp vừa qua, cả xã ngập rất nặng và có đến 4 người tử vong, trong đó đã tìm thấy thi thể của 3 người.
Bình luận (0)