Phóng viên: Thưa đại tá, xin ông cho biết lực lượng “hiệp sĩ” hiện nay được phép hoạt động trong giới hạn nào?
- Đại tá Huỳnh Ngọc Phương: “Hiệp sĩ” là danh xưng dân gian và bản chất hoạt động nghĩa hiệp của họ cũng xem như chuyện “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của nam nhi mọi thời. Nếu xác định một ranh giới cụ thể cho những người này thì thật khó.
Điều quan trọng là “hiệp sĩ” làm việc nghĩa cũng phải lấy pháp luật làm khuôn thước và luôn mang trong mình động cơ trong sáng. Ví dụ trong vụ anh Nguyễn Thanh Hải (Bình Dương) bắt bọn trộm gần 1 tỉ đồng mới đây, dù không phải bắt quả tang nhưng bằng nhiệt huyết và mưu trí, họ đã “phá án” rất tuyệt.
Có ý kiến cho rằng nên giải thể các đội “hiệp sĩ” vì họ hoạt động tự phát và dễ phạm luật?
- Các thành viên những CLB phòng chống tội phạm, các “hiệp sĩ” tự giác tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc với tinh thần rất đáng biểu dương. Những việc họ làm có thể còn hiệu quả hơn nhiều đơn vị chính quy khác. Đây là một phong trào quan trọng của nước ta, không thể coi là tự phát.
Về vụ nhóm “hiệp sĩ” Bình Dương bị Công an quận 12 - TPHCM triệu tập mới đây do nghi liên quan đến vụ cưỡng đoạt tài sản, tôi có đọc ý kiến của một số người được xem là chuyên gia pháp luật trên báo, họ vội phán các “hiệp sĩ” Bình Dương sai, có người còn đòi bắt, thật là “trớt quớt”!
Vậy làm thế nào để không còn xảy ra những vụ tương tự?
- Có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là cả công an và anh em “hiệp sĩ” đều phải tuân thủ đúng pháp luật. Vấn đề là cần phải làm rõ bản chất vụ việc này. Điểm mấu chốt là tìm ra Đinh Đắc Lộc, người tìm đến nhờ cậy anh em CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa.
Việc này không khó với công an vì đã có hình ảnh, địa chỉ của Lộc. Nếu hôm đó, Công an phường Trung Mỹ Tây (quận 12) lắng nghe đầy đủ và tiếp nhận vụ việc thì sự việc không đến nỗi phức tạp. “Hiệp sĩ” cũng là người dân, công an phải hướng dẫn, hỗ trợ họ cùng đấu tranh phòng ngừa tội phạm.
Một đối tượng cướp giật (cởi trần) bị các “hiệp sĩ” Bình Dương bắt quả tang .Ảnh: QUÝ LÂM
Ông có ý kiến gì trước việc “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, người khởi xướng mô hình CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa tại Bình Dương, tuyên bố sẽ “giải nghệ”?
- Tôi đã động viên anh Nguyễn Thanh Hải, dù thế nào thì cũng chờ mọi việc được làm rõ và không nên từ bỏ ước vọng hành hiệp giúp dân. Anh Hải đã có rất nhiều thành tích trong quá trình hưởng ứng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do Nhà nước phát động. Nếu có sự cố dẫn đến việc họ rút lui thì theo tôi là không nên chút nào.
Người dân và ngành công an rất mong muốn các mô hình phòng chống tội phạm như vậy hình thành, duy trì, phát huy thế mạnh của mình để góp phần giữ vững trị an ở từng địa bàn.
Tôi đề nghị Công an TP Thủ Dầu Một - Bình Dương, Công an phường Phú Hòa cùng CLB phòng chống tội phạm cần họp lại, phân tích cái đúng, cái sai trong quá trình hoạt động của mình để rút kinh nghiệm, nếu thấy chỗ nào chưa phù hợp thì cần chấn chỉnh.
Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “hiệp sĩ đường phố”
Để các CLB “hiệp sĩ” tiếp tục được duy trì và hoạt động hiệu quả, đúng khuôn khổ pháp lý, chiều nay (17-10), Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm - giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Tìm mô hình và thiết chế hoạt động cho hiệp sĩ đường phố”. Chương trình có sự tham gia kiến giải của các chuyên gia pháp luật, xã hội, cộng đồng và giao lưu cùng đại diện CLB “hiệp sĩ” Bình Dương, nhóm “hiệp sĩ” ở TPHCM...
|
Nhân thân, lý lịch “hiệp sĩ” rõ ràng
“Hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Văn Minh Tiến cho biết nhóm của anh thường bắt quả tang những vụ cướp giật, trộm cắp để giao nộp cho công an xử lý. Ngoài ra, nhóm cũng phối hợp với công an địa phương, lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm để trấn áp các đối tượng côn đồ, băng nhóm giang hồ chuyên hà hiếp người dân lương thiện. “Ở TPHCM, trộm cướp nhiều, lo bắt bọn này cũng đã vất vả lắm rồi. Những việc khó hơn thì có công an giải quyết” - Nguyễn Văn Minh Tiến nói.
Nhóm “hiệp sĩ đường phố” TPHCM hiện có khoảng 40 người, tất cả đều phải cung cấp sơ yếu lý lịch do công an khu vực nơi họ cư trú xác nhận trước khi tham gia làm “hiệp sĩ”, thể hiện tinh thần chấp hành tốt pháp luật, không có tiền án, tiền sự. |
Bình luận (0)