Nạn nhân hay thủ phạm?
Nhiều bạn đọc cho rằng đừng quá khắt khe với người hành nghề này. Dù muốn hay không, thực tế hoạt động này đã trở thành một nghề để nhiều người nuôi sống bản thân, gia đình. Hành nghề trong sự khinh rẻ của người khác là điều không ai muốn nên nhìn họ ở khía cạnh là nạn nhân hay là thủ phạm cần phải cân nhắc kỹ.
Bạn đọc Quốc Thịnh, chia sẻ: Hơn ai hết những người bán dâm luôn hiểu cái nhìn của mọi người về mình nên chẳng ai tự hào, thậm chí dám công khai thừa nhận mình làm nghề này. Tôi thiết nghĩ những người làm nghề này không đáng bị lên án ghê gớm như hiện nay. Cuộc sống quá khó khăn, không việc làm... nên họ mới bán rẻ bản thân và luôn cả danh dự mà bươn chải cuộc sống. Tại sao chúng ta không xem xét thấu đáo hơn nếu không lo được việc làm (an sinh xã hội) thì hãy cho họ hành nghề hợp pháp. Tóm lại, chúng ta phải chấp nhận 2 giải pháp: Lo cho họ có việc làm và nếu lo không được thì công nhận nghề của họ”.
Hãy cho họ một cơ hội
Trước việc không thể quản được mại dâm, TPHCM và Khánh Hòa đã đề xuất trung ương cho phép quy hoạch một khu vực những ngành nghề “nhạy cảm” để có thể quản lý chặc chẽ, tránh tình trạng mại dâm “lấn” ra cộng đồng. Tuy đến nay những đề án này chưa được thực hiện nhưng đã nhận sự đồng tình của nhiều người, trong đó không ít người là lãnh đạo các ngành liên quan đến phòng chống mại dâm.
Đồng tình với những đề án trên, bạn đọc lấy tên Người Quan Sát, cho rằng: “Hãy nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc: đây là vấn đề "bản năng gốc" của loài người. Tại sao phải cấm? và có cấm được không? Còn vấn đề mại dâm có phải là tệ nạn hay không thì tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người. Nhà nước cứ hợp pháp hóa để dễ quản lý và có số liệu tương đối chính xác, từ đó mới đề ra biện pháp giữ gìn sức khỏe trong lúc hành nghề... Khi nào họ có thể mưu sinh được thì họ tự giác rời khỏi khu vực "đèn đỏ" thôi, vì trên thực tế nghề này có tuổi thọ không cao. Nếu nhìn vấn đề một cách nhân bản và không bảo thủ, không đạo đức giả chúng ta có thể kiểm soát và hạn chế mại dâm, còn hơn mà ngồi đấy mở chiến dịch bắt cóc bỏ dĩa. Có rất nhiều chị em sau mỗi "dù" là lo chạy đi mua sữa, mua cháo, mua gạo cho mẹ già đau ốm, cho con thơ nhỏ dại…”.
Trước lo ngại nếu lập “khu đèn đỏ” thì xã hội sẽ “loạn”, người làm nghề sẽ “vênh mặt” và không muốn thay đổi, bạn đọc Hoàng Lan cho rằng suy nghĩ này là phiến diện. Thái Lan là một đất nước sùng bái đạo Phật nhưng họ vẫn hợp pháp hóa hoạt động mại dâm, vì họ biết đối diện với sự thật phũ phàng "tình dục là một nhu cầu", cũng như cơm, nước vậy. Nên cái nhu cầu nào bị cấm, người ta tìm cách ăn vụng. Vả lại, cái "nghề" này nó mạt hạng lắm rồi, chả có cô gái nào xung phong và công khai hành nghề này đâu? Chẳng qua là họ cùng đường, có đường khác họ sẽ bỏ nghề ngay thôi. Còn đám đàn ông chẳng mấy "tơ tưởng" với họ đâu mà họ “vênh mặt”.
Bạn đọc Trần Tài, cho biết: “Cả mấy ngàn năm nay nghề này vẫn luôn hoạt động ở bất cứ quốc gia nào với nhiều hình thức khác nhau. Tôi ủng hộ việc hợp pháp hóa nó với mục đích bảo vệ họ, giảm bớt gánh nặng về chi phí xã hội, nâng cao nhận thức để tránh các căn bệnh xã hội. Đừng vội quy chụp những người bán dâm là lười biếng, ô nhục... Đứng ngoài phán xét rất dễ nhưng hãy tìm cách giải quyết vấn đề cuả họ xem? Và thêm nữa, chúng ta nên xem lại quan niệm về tình dục và tình dục an toàn trong xã hội ngày nay”.
Hãy tạo điều kiện để họ đổi nghề
“Quan trọng là cần tạo điều kiện để các cô gái có thể thay đổi nghề khác nếu muốn. Chúng ta cần công nhận nghề này và có nhà nước quản lý, bên cạnh đó phải truy quét và mạnh tay với bọn ma cô, dắt mối, bọn cho vay... những kẻ bóc lột tàn tệ các cô gái mại dâm, nghĩa là cần mạnh tay với mại dâm bất hợp pháp. Những cô gái nầy sẽ làm nghề của họ trong những khu vực quy định, được khám chữa bệnh, có thu nhập không bị chiếm đoạt và họ có thể đổi nghề nếu muốn. Không nên đặt vấn đề đạo đức ở đây vì xét cho cùng đây không phải là vấn đề đạo đức mà là vấn đề xã hội” - bạn đọc Hoàng Long. “Thời buổi khó khăn hãy để yên cho người ta sống với. Cấm hoài mà có nuôi được người ta đâu. Chỉ cần hướng dẫn cho người ta hành nghề sao cho an toàn không bệnh tật, tránh được tội phạm bảo kê. Hãy tạo điều kiện để họ có thể có được một nghề khác có thể tự nuôi sống bản thân” – bạn đọc Xu Ka |
Bình luận (0)