Bạn đọc TRANG NGUYỄN: Chế tài mạnh mẽ là phương thuốc hữu hiệu
Tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến đang bị biến tướng, trượt dài trong mớ hỗn độn thông tin và sự dẫn dắt có chủ ý của một số cá nhân trên không gian mạng. Người ta sẵn sàng "bóc phốt" một cá nhân, lôi kéo dư luận "ném đá hội đồng", kích động cơn "lên đồng tập thể" lao vào cuộc tìm kiếm, truy lùng danh tính, địa chỉ, họ hàng thân tộc để tấn công bằng ngôn từ bạo lực. Liên tiếp nhiều vụ việc nhân danh công lý và chính nghĩa do "500 anh em" hô hào và phát động đã từng khiến dư luận hãi hùng.
Nếu cuộc đời thực vốn dĩ tốt - xấu lẫn lộn thì sự nhập nhằng trắng - đen trên không gian mạng không khác gì một hố sâu hun hút mà nếu chẳng may sa chân vào, chúng ta không chỉ làm tổn thương người khác mà còn làm đau chính mình và gây mất an ninh trật tự.
Lên mạng xã hội bình luận, nói xấu lực lượng CSGT, một người đàn ông ở Nghệ An đã bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng (Ảnh do công an cung cấp)
Muốn ngăn chặn tình trạng lên mạng nhân danh công lý rồi tự phán quyết tội cho người khác, pháp luật và giáo dục phải phát huy hơn nữa vai trò quản thúc, định hướng ý thức, hành động của mỗi người trong cuộc đời thực và cả không gian mạng. Một chế tài mạnh mẽ, đủ sức răn đe là phương thuốc hữu hiệu. Bên cạnh đó là vai trò bổ khuyết của giáo dục trong việc định hướng lý tưởng sống, phổ biến pháp luật và nhân rộng lối ứng xử văn hóa trên không gian mạng.
Bạn đọc NGUYỄN NGỌC: Chậm lại một chút để làm người tử tế!
Không ai muốn một thế hệ trẻ trưởng thành trong im lặng, không chính kiến, không phản biện, không lên tiếng trước điều xấu, cái sai, sự bất công. Nhưng không thể dung túng cho vô số kiểu phản biện thiếu văn hóa từ cộng đồng mạng.
Thử tưởng tượng một ngày ta bỗng dưng trở thành tâm điểm của các đợt "ném đá tập thể", phải đọc, ngẫm và thấm thía từng câu chửi xắt xéo, chửi liên thanh ở khắp nơi dội về. Ai có thể bình tâm, xem lời mắng chửi của đám đông chỉ nhẹ như "gió thoảng qua tai"?
Mỗi người đều có quyền tự do ngôn luận nhưng phải trong giới hạn của đạo lý, đạo đức và pháp luật.
Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Luật An ninh mạng cũng đã có, phần nào ràng buộc người dùng tránh xa các hành vi đăng tin, bình luận sai sự thật, lăng mạ, bôi nhọ, làm nhục người khác. Nhưng dường như quy định, chế tài vẫn còn chung chung, khó xử lý các hành vi vi phạm nên tình trạng "ném đá giấu tay" trong thế giới mạng mới tiếp diễn dai dẳng.
Để tránh trở thành nạn nhân của trò "ném đá tập thể" hoặc biến mình thành kẻ thủ ác giấu "đá" trong từng con chữ, mỗi người phải xây dựng lối sống tử tế trong từng hành động, việc làm, lời nói. Chậm lại một chút để kiểm chứng độ chính xác của thông tin. Chậm lại một chút để phân tích đúng - sai, tốt - xấu. Chậm lại một chút để ngẫm xem nói thế nào để không làm người khác bị tổn thương. Chậm lại một chút để phản biện một cách tử tế.
Dùng cái đầu tỉnh táo và trái tim nhiệt thành muốn xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn để lựa chọn cách nói ý nhị, cách diễn đạt tinh tế cùng đối thoại, bàn luận với thiện chí, tích cực.
Bạn đọc TƯƠNG QUAN: Dựa vào chuẩn mực văn hóa, đạo đức
Pháp luật không thể bao quát, điều chỉnh toàn bộ các hành vi của con người, trong đó có cách ứng xử trên mạng xã hội, mà còn cần có sự điều chỉnh từ góc độ chuẩn mực đạo đức, văn hóa của một cộng đồng, dân tộc. Xây dựng cái thiện, cái tốt phải tốn công sức, thời gian, tiền bạc, trong khi cái ác, cái xấu thì lan truyền rất nhanh. Do đó, cần xử lý nghiêm minh những hành vi ác, nhằm mục đích ngăn cấm và giảm sự lan truyền của cái ác.
Để thực thi pháp luật có hiệu quả, cần vận dụng đúng đắn phương pháp thuyết phục và cưỡng chế. Quản lý mạng xã hội có hiệu quả cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa pháp luật với đạo đức và nền tảng văn hóa. Nói cách khác, để có cách ứng xử lành mạnh trên mạng xã hội, cùng với sự điều chỉnh của pháp luật, cần đề cao sự tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi người dựa vào chuẩn mực đạo đức, văn hóa, lên án hành vi lệch chuẩn.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần hiểu và áp dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi của mình cũng chính là góp phần xây dựng một xã hội văn minh.
Tuân thủ quy định pháp luật
Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến xu hướng dùng mạng xã hội để xúi giục, kích động, tẩy chay và trả đũa nhau khốc liệt đến vậy. Cùng với những cá nhân có cái "tôi" quá lớn là những "anh hùng bàn phím" sẵn sàng xông vào mọi ngóc ngách cuộc sống, đời tư người khác để chửi rủa, bất chấp đúng - sai. Đáng lo hơn nữa là các bài "bóc phốt" này thường nhận được lượt xem, chia sẻ rất cao, người bình luận, bàn tán tăng liên tục. Thậm chí, có những trang, nhóm mạng xã hội được lập ra để tập trung các bài đăng "bóc phốt" nhằm tăng lượt tương tác từ việc đáp ứng sự tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận người dùng mạng xã hội.
Đấu tranh, tố cáo với cái xấu là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân nhưng phải được thực hiện theo trình tự, đúng quy định của pháp luật. Hãy nhớ chỉ có sự tử tế, sự tôn trọng, lòng vị tha mới là điều còn lại làm nên những giá trị tốt đẹp trong hành xử giữa người với người.
Ngọc Diễm
Bình luận (0)