Anh Trần Thanh Tú (Giáo viên tHPT; ngụ phường 14, quận 4, TP HCM):
Chuẩn bị tốt các cơ sở xã hội
Đến nay, TP HCM mới quyết liệt ra quân đưa người ăn xin, lang thang vào các cơ sở xã hội. Các cơ quan chức năng TP HCM đã đặt vấn đề này từ nhiều năm trước nhưng luôn lúng túng và không đưa ra được cơ sở pháp lý vững chắc. Nhưng trễ còn hơn không, cần mạnh tay với người lang thang, ăn xin. Vấn đề là chúng ta đã chuẩn bị được gì ở trung tâm bảo trợ xã hội để tiếp nhận họ: tiêu chuẩn ăn uống hằng ngày, việc chăm sóc sức khỏe, không gian sinh hoạt...
Thực tế, rất nhiều người ăn xin không nơi nương tựa, sống vất vưởng ở các hè phố, gầm cầu... nhưng lại không muốn vào trung tâm bảo trợ xã hội. Đây là vấn đề phải được tìm hiểu kỹ và điều chỉnh những điều chưa hợp lý (nếu có) tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Nếu được chăm sóc tốt thì tôi tin rằng họ sẽ không từ chối vào các trung tâm này.
Ông Ngô Thanh Hùng (Giám đốc tài chính một công ty kinh doanh địa ốc tại quận 3, TP HCM):
Phải xử lý những kẻ chăn dắt
Hằng ngày, trên nhiều đường phố của TP HCM, tôi thấy có rất đông người ăn xin. Dẫu biết nhiều người trong số họ chỉ là giả vờ, bị lợi dụng hoặc ép buộc ăn xin nhưng thật khó mà ngoảnh mặt làm ngơ. Nếu không cho tiền người ăn xin, cảm giác thờ ơ trước số phận hẩm hiu, sự kém may mắn của người khác luôn dằn vặt bất cứ ai có tấm lòng nhân hậu.
Nhìn hình ảnh những đứa trẻ bị “chăn dắt” quỳ gối ăn xin mà Báo Người Lao Động online đăng tải mới đây, tôi hết sức đau lòng. Tôi rất căm phẫn khi biết bố mẹ và kẻ “chăn dắt” các đứa trẻ ấy cướp đi những đồng tiền mà chúng kiếm được để tiêu xài, cờ bạc. “Chăn dắt” ăn xin là tội ác, vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để. Đừng như thời gian qua, cơ quan chức năng ở nhiều địa phương biết rõ thực trạng nhưng lại chẳng có giải pháp gì giải quyết.
Ông Nguyễn Chương (Chủ một quán cà phê tại quận 3, TP HCM):
Hãy học tập mô hình Đà Nẵng
Tôi có rất nhiều năm làm việc tại TP HCM và nay đang sinh sống ở TP Đà Nẵng. Có thể nói từ nhiều năm qua, Đà Nẵng đã giải quyết tình trạng người ăn xin, lang thang rất hiệu quả. Chính quyền TP Đà Nẵng rất cương quyết trong việc đưa người ăn xin vào các cơ sở xã hội và cuộc sống của họ ở đây khá tốt. Chính quyền khuyến khích, thậm chí thưởng tiền nếu người dân gọi điện qua đường dây nóng báo cho cơ quan chức năng về người ăn xin, lang thang trên phố. Mô hình này khá ổn và có thể áp dụng được tại TP HCM.
Ngày 28-12, TP HCM ra quân “thu gom” người ăn xin
Từ ngày 28-12, TP HCM sẽ ra quân đưa người lang thang, ăn xin vào các trung tâm hỗ trợ xã hội theo Quyết định 49 của UBND TP. Người lang thang, ăn xin sẽ được phân loại để chuyển về gia đình hoặc đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội.
Theo ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, mục tiêu của TP là trước Tết Nguyên đán 2015, cơ bản không còn người ăn xin, lang thang ngoài đường phố.P.Anh
Bình luận (0)