Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, nhìn nhận: "Hiện nay đang báo động tình trạng mạng xã hội có nhiều nội dung gây sốc, câu like, bất chấp cả vi phạm pháp luật và đạo đức. Những nội dung "rác" này làm nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội".
Luật quy định rất rõ
Để không gian mạng được trong sạch, lành mạnh, thật sự là nơi để học hỏi, chia sẻ tri thức, giao lưu và thực hiện các hoạt động khác, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn cho biết Luật Viễn thông năm 2009 và Luật Công nghệ Thông tin năm 2006 đã quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông, công nghệ thông tin tại điều 12 của các luật này; đồng thời tại điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 cũng có quy định về các hành vi bị cấm khi sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy tính chất, mức độ, loại hành vi và hậu quả của hành vi mà cá nhân đó có thể bị khởi kiện để yêu cầu bồi thường về dân sự, bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Tràn lan clip dàn dựng câu khách trên TikTok
Cụ thể, theo điều 99 của Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử của Chính phủ, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Theo điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, những người chia sẻ thông tin giả mạo, xuyên tạc, vu khống, cổ xúy mê tín, nội dung đồi trụy, miêu tả tỉ mỉ các vụ tai nạn, rùng rợn, chia sẻ thông tin gây hoang mang… có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Tương tự, hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm bị buộc phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Trong trường hợp hành vi thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm mà Bộ Luật Hình sự hiện hành quy định, tùy tính chất, mức độ và hành vi, người vi phạm có thể bị xử lý tội "Làm nhục người khác", "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông", "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Ngoài ra, người bị thiệt hại danh dự, nhân phẩm và uy tín do hành vi nêu trên gây ra có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo điều 592 Bộ Luật Dân sự 2015.
Cần lọc "chất độc" trên mạng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) của Quốc hội - nói: "Mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông, giải trí phổ biến được nhiều người sử dụng và ưa thích nhưng cũng từ đó phát sinh không ít vấn đề.
Nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để đăng thông tin sai sự thật hoặc có ứng xử thiếu văn hóa làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân cũng như việc tiếp cận thông tin của công chúng, đặc biệt là học sinh, sinh viên".
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Thu, các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải có trách nhiệm gạn đục khơi trong, áp dụng triệt để các quy định pháp luật và chế tài để "lọc chất độc" trên mạng.
"Cần truy ra những cá nhân, nhóm người chuyên sản xuất nội dung dàn dựng nhảm nhí, gây náo loạn mạng xã hội và xử thật nghiêm những trường hợp "xả rác" trên mạng. Nếu tái phạm nhiều lần thì xem xét trách nhiệm hình sự.
Chúng ta cần đào tạo lực lượng an ninh mạng tinh nhuệ để đấu tranh với những "con bạch tuộc" đang vươn vòi trên mạng. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền làm sao để người dân hiểu và không tin những chuyện xấu trên mạng" - bà Nguyễn Thị Hoài Thu nói thêm.
Ứng xử văn minh
Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM), việc phát triển văn hóa ứng xử trên mạng xã hội đang trở nên cấp thiết và đòi hỏi sự tham gia từ cả các cơ quan quản lý lẫn người dân. Cần phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng số để mỗi người dân tự nâng cao nhận thức, có chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh trang bị kiến thức, giáo dục cách thức tự bảo vệ trên không gian mạng cho giới trẻ, nhất là trẻ em. Đây là giải pháp có ý nghĩa bền vững, lâu dài nhằm nâng cao dân trí để từ đó mỗi người dân sẽ xây "bộ lọc" của cá nhân mình.
Bình luận (0)