“Ngày 21-7, cơ quan thi hành án (THA) cưỡng chế chúng tôi ra khỏi nhà. Chúng tôi biết tá túc ở đâu, gặp ai để kêu cứu và đòi lại tiền đã mua nhà trong khi người bán đã đi khỏi địa phương”. Đây là nội dung đơn kêu cứu của hàng chục người dân ở phường 5, quận Gò Vấp, TP HCM gửi các cơ quan chức năng khi Chi cục THA Dân sự quận Gò Vấp thông báo cưỡng chế để thu hồi nhà, đất mà họ đã mua.
Cầm cố ngân hàng đất đã bán
Theo phản ánh của nhiều người dân, khoảng năm 2009, họ mua nhà, đất của bà Huỳnh Thị Thùy Trang tại số 148 Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp với giá từ 80 triệu đồng đến 1,3 tỉ đồng (tùy diện tích). Việc mua bán không có hợp đồng mà chỉ là giấy tay, không qua chứng thực của cơ quan chức năng. Sau khi bán, bà Trang lại mang giấy tờ khu nhà, đất trên cầm cố cho ngân hàng. Do không trả được nợ, bà Trang bị ngân hàng kiện ra tòa.
Theo quyết định của tòa án, bà Trang có trách nhiệm giao khu nhà, đất cho ngân hàng. Sau đó, Chi cục THA Dân sự quận Gò Vấp ra quyết định THA và thông báo cưỡng chế thu hồi đất vào ngày 17-12-2014 nhưng sau đó đã hoãn. Nay, Chi cục THA Dân sự quận Gò Vấp lại tiếp tục ra thông báo cưỡng chế vào ngày 21-7.
Đại diện Chi cục THA Dân sự quận Gò Vấp cho rằng cơ quan này hiểu những bức xúc của người dân và đã xem xét rất nhiều lần phản ánh của họ. Tuy nhiên, Chi cục THA Dân sự quận Gò Vấp phải thi hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 522 ngày 26-4-2010 của TAND TP HCM.
Trường hợp như trên cũng xảy ra khá phổ biến với nhiều người ở các quận khác của TP HCM. “Do cần chỗ ở, tiền ít nên tôi đã chấp nhận mua nhà bằng giấy tay. Không ngờ tôi phải rơi vào bẫy lừa khi chủ nhà đem bán cho nhiều người rồi cao chạy xa bay” - bà Nguyễn Thị Hoa, nạn nhân của vụ mua bán đất bằng giấy tay tại huyện Bình Chánh, TP HCM, than thở.
Quá cần chỗ ở, chấp nhận rủi ro
Theo thẩm phán Nguyễn Việt Hồng, TAND huyện Nhà Bè,TP HCM, việc mua bán nhà, đất bằng giấy tay khá phổ biến hiện nay là do người dân ham rẻ hoặc quá cần chỗ ở nên chấp nhận rủi ro. Khi thụ lý những vụ tranh chấp này, tòa án sẽ xem xét thời điểm mua bán. Nếu việc mua bán xảy ra trước năm 1993 thì tòa xem xét quá trình sử dụng để công nhận sự thỏa thuận. Còn nếu diễn ra sau năm 1993 thì sẽ tuyên giao dịch vô hiệu.
Thẩm phán Nguyễn Việt Hồng cho biết khi tiếp nhận các vụ kiện mua bán nhà đất bằng giấy tay, tòa thường buộc các bên đến cơ quan công chứng để chứng thực hợp đồng mua bán. Nếu không thực hiện, tòa sẽ tuyên giao dịch vô hiệu và về nguyên tắc của ai phải trả lại cho người đó; người có lỗi phải có trách nhiệm bồi thường. Hiện nay, việc mua bán nhà, đất bằng giấy tay có nhiều biến tướng. Chẳng hạn, thực tế là vay tiền nhưng các bên làm văn bản ủy quyền được xử lý tài sản khi bên vay không trả. Và khi đã có giấy ủy quyền, người được ủy quyền bán tài sản cho người khác.
Dẫn chứng thêm việc biến tướng của việc mua bán nhà, đất bằng giấy tay, ThS Ngô Thế Tiến, nguyên Thẩm phán TAND
TP HCM, cho biết thêm có trường hợp vay tiền nhưng để chắc chắn, bên cho vay đề nghị bên vay phải lập hợp đồng mua bán nhà. Khi có hợp đồng, bên cho vay dễ dàng bán cho người khác, sang tên trước bạ. “Người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi mua nhà, đất. Nếu không chắc chắn thì không nên mua bởi nếu mua sẽ xảy ra rất nhiều rủi ro” - ThS Ngô Thế Tiến cảnh báo.
Công chứng để bảo vệ quyền lợi
Một công chứng viên của Phòng Công chứng số 1 cho rằng theo quy định của pháp luật, phần lớn việc mua bán, chuyển nhượng tài sản đều phải qua công chứng, chứng thực của cơ quan chức năng. Công chứng là chứng nhận giao dịch giữa các bên. Điều 5 Luật Công chứng quy định: Giá trị pháp lý của văn bản công chứng như sau: Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Do đó, nếu việc mua bán tài sản được công chứng sẽ là bằng chứng để người dân bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Hiện nay, việc công chứng đối với giao dịch nhà đất rất nhanh chóng, thuận tiện, chỉ mất khoảng từ 1 đến 2 giờ.
Bình luận (0)