"Tôi đã đóng gần 200 triệu đồng để đi làm việc tại Canada nhưng sau đó không đi được, người môi giới cũng không trả lại tiền" - anh Hồ Bình Xuyên (xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) phản ánh với Báo Người Lao Động.
Đóng tiền xong bị cắt liên lạc
Theo anh Xuyên, ngày 15-7-2017, từ Facebook của Vũ Thị Hằng (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) đăng tuyển lao động sang Canada làm việc, anh đăng ký tham gia. Ngày 2-8-2017, anh Xuyên ra Hà Nội đóng 50 triệu đồng cho Hằng tại Công ty CP Vạn Xuân Vinaxan (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội). "Hằng thu tiền, có viết biên nhận và cam kết sau 4 tháng không làm được visa sang Canada sẽ hoàn đủ 100% tiền cho tôi" - anh Xuyên kể. Ba ngày sau, Hằng gọi điện yêu cầu đóng thêm 35 triệu đồng để làm visa.
Đến tháng 12-2017, Hằng yêu cầu anh Xuyên ra Hà Nội đóng thêm 100 triệu đồng. Tháng 1-2018, Hằng gọi điện hỏi anh Xuyên có sổ tiết kiệm 500 triệu đồng không vì đi Canada cần chứng minh tài chính. Anh Xuyên trả lời không có, Hằng yêu cầu đóng 10 triệu đồng để làm hồ sơ chứng minh tài chính. Đợi quá lâu không thấy gì, tháng 2-2018, anh Xuyên gọi điện thắc mắc, Hằng nói không làm được visa, hẹn sẽ trả 195 triệu đồng trong vòng 45 ngày. Đến hẹn, Hằng lại hẹn tiếp nhiều lần. Ngày 10-5-2018, Hằng chặn Zalo, Facebook và điện thoại thì không bắt máy.
Đồng cảnh ngộ, 2 chị Nguyễn Thị Tơ và Nguyễn Lưu Cẩm Châu (tỉnh Tiền Giang) cũng bị Hằng lừa. Sau khi đóng cho Hằng 40 triệu đồng tại Công ty CP Vạn Xuân Vinaxan, 1 tháng sau, Hằng bảo là làm visa không được, chỉ trả 20 triệu đồng, sau đó cắt liên lạc.
Tìm hiểu kỹ trước khi đóng tiền
Ngày 22-5, trao đổi qua điện thoại, bà Vũ Thị Hằng thừa nhận nhân viên của Công ty CP Vạn Xuân Vinaxan có nhận của anh Xuyên 195 triệu đồng. Do không xin được visa nên công ty sẽ trả lại tiền cho anh Xuyên. Trường hợp của chị Tơ và chị Châu, bà Hằng trả lời không biết, nếu có đóng tiền cho công ty thì công ty có trách nhiệm trả.
Cũng trong ngày, chúng tôi nhiều lần gọi đến số máy bàn của Công ty CP Vạn Xuân Vinaxan nhưng không ai bắt máy.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Tuấn - Công ty CP Vạn Xuân Vinaxan - cho biết bà Hằng chỉ là cộng tác viên, giới thiệu khách đến công ty, ông Tuấn không biết anh Xuyên, chị Tơ, chị Châu; nếu đóng tiền cho bà Hằng thì tìm bà Hằng để lấy lại. "Đề nghị người lao động (NLĐ) tố cáo đến công an để bắt Hằng vì chuyên lừa đảo" - ông Tuấn nói. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị trao đổi với giám đốc công ty, ông Tuấn nói giám đốc không liên quan đến vụ việc trên nên không thể giải quyết.
Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng Phòng Thông tin truyền thông Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), không có chuyện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài qua Facebook, Zalo… Để không bị lừa, NLĐ nên tìm hiểu kỹ thông tin công ty đưa đi xuất khẩu lao động như: Công ty có giấy phép của Bộ LĐ-TB-XH không? Có hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không? Hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có được Bộ LĐ-TB-XH thẩm định hay không?... Hiện danh sách các công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đều được đăng công khai trên trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Ngoài ra, NLĐ cần biết về pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sẽ đến làm việc, nhất là phải thông thạo ngôn ngữ nước sẽ đến làm việc.
Cũng theo bà Hà, với các trường hợp trên, NLĐ nên gửi đơn và các hồ sơ có liên quan đến Cục Quản lý lao động ngoài nước, cơ quan công an nơi bà Hằng đăng ký thường trú hoặc nơi xảy ra vụ việc để được giải quyết.
Bình luận (0)