Trong thời gian qua, Báo Người Lao Động nhận khá nhiều đơn, thư khiếu nại, phản ánh về việc tranh chấp phần sở hữu chung ở khu dân cư, phải nhờ chính quyền giải quyết, thậm chí kéo nhau ra tòa.
Trong một thời gian dài, 3 hộ dân ở hẻm số 10 Kỳ Đồng (phường 9, quận 3, TP HCM) thường xuyên xích mích, mâu thuẫn chỉ vì tranh chấp lối đi chung. Hộ ông Nguyễn Văn Long (nhà số 10/110 Kỳ Đồng) cho rằng sổ đỏ nhà ông xác định đây là hẻm chung. Trong khi đó, sổ đỏ của 2 hộ dân bên cạnh là bà Nguyễn Thị Ba và Nguyễn Thị Tư, ngụ số 10/108, lại thể hiện con hẻm thuộc lối đi riêng của 2 hộ này. Do đó, khi hộ bà Ba và bà Tư bỏ tiền lát gạch con hẻm thì bị hộ ông Long ngăn cản. Ngay cả hộ bà Tư sử dụng phần trong cùng của hẻm làm nơi nấu ăn, rửa bát cũng bị hộ ông Long phản ánh lên phường. Vì phường không giải quyết được nên hai bên thường xuyên”khẩu chiến”, dọa nạt nhau, gây mất trật tự.
Hai hộ dân ở hẻm 64 Trần Huy Liệu (phường 12, quận Phú Nhuận, TP HCM) do không thống nhất được tường rào chung hay riêng nên đưa tranh chấp ra tòa. Ông Trần Dũng (nhà số 64/1A) cho biết khi ông cho xây tường rào thêm 0,5 m đã được nhà bên cạnh (số 64/1) đồng ý nhưng đang làm giữa chừng thì hộ bên cạnh đổi ý, làm đơn kiện. Mâu thuẫn giữa 2 gia đình ngày một lớn dần, đến nỗi phường nhiều lần mời các bên lên hòa giải nhưng họ nhất quyết không nhượng bộ nhau.
Còn rất nhiều tranh chấp, mâu thuẫn tưởng chừng nhỏ nhặt khác mà hằng ngày chúng tôi tiếp nhận được qua những lá đơn khiếu nại, phản ánh. Bà Nguyễn Thị Trân (ngụ quận Bình Thạnh) nhiều lần đến Báo Người Lao Động phản ánh việc hàng xóm chiếm dụng hẻm bán cơm, còn kéo cả nhà sang dọa đánh khi bị bà phản ứng. Một hộ dân ở hẻm 234/7 Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6 thì bất chấp các hộ dân ngăn cản, vẫn lấn không gian hẻm đặt bảng quảng cáo phòng khám bệnh...
Những tranh chấp về phần sở hữu chung như trên dẫn đến mâu thuẫn, mất tình làng nghĩa xóm đang diễn ra khắp nơi. Điều đáng nói, đây là loại tranh chấp khó giải quyết nhất của chính quyền các địa phương vì thiếu cơ sở pháp lý và… không ai nhịn ai. Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Chủ tịch UBND phường 12, quận Phú Nhuận - cho rằng xử lý mâu thuẫn của hàng xóm rất khó, ngoài cơ sở pháp lý còn phải hài hòa lợi ích của hai bên. Tuy nhiên, theo bà, nếu mọi người nhường nhịn một chút, chịu “ngồi lại với nhau” thì mọi chuyện có thể được giải quyết êm xuôi.
Bình luận (0)