Theo Thông tư 41/2015 của Bộ Y tế, chỉ có cử nhân X-quang (tốt nghiệp đại học) hoặc bác sĩ chuyên khoa X-quang mới được đọc và mô tả hình ảnh chẩn đoán và BHYT mới thanh toán chi phí cho người bệnh. Quy định này đang khiến nhiều trung tâm y tế (TTYT) tại tỉnh Quảng Ngãi dù được trang bị máy X-quang hàng tỉ đồng vẫn không thể hoạt động vì không tìm được người vận hành.
Bù lỗ vì bảo hiểm không thanh toán
Ông Hồ Văn Toàn, Giám đốc TTYT huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), cho biết năm 2013, TTYT huyện Trà Bồng được trang bị một máy chụp X-quang do dự án hỗ trợ vùng y tế duyên hải Nam Trung Bộ đầu tư với kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Lúc đầu, phòng máy được vận hành rất suôn sẻ nhưng đến cuối năm 2015, phải ngưng hoạt động vì vướng Thông tư 41/2015.
“Tại các huyện miền núi, từ trước đến nay, người chụp X-quang hầu hết là y sĩ được đào tạo lên kỹ thuật viên. Do thông tư quy định như vậy mà TTYT huyện Trà Bồng không có cán bộ chụp X-quang có bằng cấp theo quy định nên buộc chúng tôi phải ngưng hoạt động phòng máy. Ban đầu, chúng tôi cũng cố gắng vận hành để tránh tình trạng chuyển những ca bệnh nhẹ như gãy xương lên bệnh viện (BV) tuyến trên. Tuy nhiên, bên bảo hiểm từ chối thanh toán khoản chụp X-quang này. Trong quý I/2016, chúng tôi phải bù lỗ 40 triệu đồng do bảo hiểm không chấp nhận trả khoản này” - ông Toàn cho biết.
Dẫn chúng tôi đến phòng máy, ông Lê Văn Tuấn, nhân viên y tế tại TTYT huyện Trà Bồng, cho biết ông đã học qua lớp đào tạo chụp X-quang tại Huế, được cấp chứng chỉ và hành nghề được 16 năm nay, có nhiều kinh nghiệm nhưng vì không có bằng cử nhân nên không được phép vận hành máy chụp X-quang. “Dù đã chuyển qua bộ phận khác, hằng ngày, tôi vẫn đảm nhận trách nhiệm khởi động máy X-quang để tránh tình trạng hư hỏng” - ông Tuấn kể.
Tại TTYT huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi) cũng được trang bị máy chụp X-quang trị giá hàng tỉ đồng nhưng vì vướng Thông tư 41/2015 nên đến nay, các phòng máy chụp X-quang tại các TTYT nói trên phải đóng cửa.
“Vì Thông tư 41/2015 quy định như vậy, mà nguồn nhân lực chúng tôi chưa đào tạo kịp nên từ cuối năm 2015 đến nay, phòng chụp X-quang phải tạm ngưng hoạt động” - ông Châu Nguyễn Thương, Giám đốc TTYT huyện Tây Trà, thông tin thêm.
Người bệnh chịu thiệt
Việc không vận hành được phòng máy X-quang đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân đang điều trị tại các TTYT ở Quảng Ngãi. Do đặc thù địa lý, việc đi lại từ TTYT các huyện miền núi đến những BV tuyến trên rất khó khăn, trong khi đó, đa phần người dân ở các huyện miền núi thuộc diện nghèo. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều bệnh nhân tỏ ra bức xúc khi phải nhận phiếu chuyển lên tuyến tỉnh trong khi TTYT đã được đầu tư máy chụp X-quang.
Ông Hồ Văn Thanh (ngụ xã Trà Phong, huyện Tây Trà) kể ông đi rẫy bị trượt ngã khiến chân sưng to. Khi đến TTYT huyện Tây Trà khám, các bác sĩ hướng dẫn ông lên BV Đa khoa Quảng Ngãi chụp X-quang. “BV tỉnh chụp X-quang nói tôi chỉ bị trật khớp trong khi đường lên đó xa xôi cách trở, đi lại khó khăn, chúng tôi lại không có điều kiện. Hơn nữa, chúng tôi ở đây thường xuyên bị tai nạn do đi rừng, đi rẫy. Mỗi lần như vậy lại phải lên tỉnh, quá mất thời gian, tiền bạc, công sức” - ông Thanh nói.
Theo thống kê tại các TTYT huyện Tây Trà, Sơn Hà, Trà Bồng, mỗi ngày ở đây có khoảng 10-15 ca bệnh cần chụp X-quang. “Hiện tại, các bệnh nhân có nhu cầu chụp X-quang, chúng tôi đều phải hướng dẫn đến BV Đa khoa Quảng Ngãi. Biết sẽ gây nhiều khó khăn cho bệnh nhân nhưng không còn cách nào khác” - ông Hồ Văn Toàn chia sẻ.
Sẽ bổ sung nhân lực
Ông Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, cho biết sở đã nhận được đề nghị tháo gỡ khó khăn của các TTYT khi “vướng” quy định tại Thông tư 41/2015. “Thế nhưng, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay ở Quảng Ngãi khá thiếu nên chưa thể bố trí kịp thời. Hiện chúng tôi đang làm quyết định điều động nhân viên y tế lên vận hành máy chụp X-quang tại TTYT huyện Trà Bồng, các TTYT còn lại sẽ tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới” - ông Đức cho biết.
Bình luận (0)