Theo nhận định của các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, hiện tỉ lệ người dân tham gia BHYT của tỉnh này chưa đến 54%. Nguyên nhân chính là do người dân còn khó tiếp cận với các đại lý bán BHYT, thời gian cấp thẻ chậm… Ngoài ra, chính quyền nhiều địa phương đã buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng nhiều cán bộ chiếm dụng tiền mua BHYT của người dân tiêu xài cá nhân.
Khó tiếp cận
Ông Nguyễn Văn Dân - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang - cho biết với địa bàn rộng nhưng xã chỉ có 2 đại lý bán BHYT. Người dân phải đi rất xa mới mua được. Thậm chí, rất nhiều người còn chưa biết đến loại hình bảo hiểm này. Tỉ lệ người dân ở xã Vĩnh Hòa tham gia BHYT chỉ khoảng 50%.
“Xã Vĩnh Hòa có gần 9.000 dân, nếu ngành bảo hiểm bố trí khoảng 4 đại lý thì sẽ hợp lý hơn và người dân cũng bớt phần vất vả khi được vận động mua BHYT” - ông Dân đề xuất.
Không chỉ hạn chế đại lý bán BHYT, năm vừa qua, BHXH tỉnh Kiên Giang còn ban hành văn bản trái với quy định của BHXH Việt Nam về thời gian mua và làm thẻ đối với người mua mới hoặc mua BHYT không liên tục. Theo đó, chỉ những ngày cuối tháng, các đại lý BHYT mới được thu tiền và đến đầu tháng sau mới phát hành thẻ cho người mua. Nếu ai có nhu cầu mua BHYT vào những ngày đầu tháng cũng phải đợi đến cuối tháng. Những trường hợp này phải mất khoảng 2 tháng mới có thẻ. Quy định quá cứng nhắc này đã gây bất tiện cho người dân muốn tham gia BHYT.
Ông Thái Văn Tính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Kiên Giang, thừa nhận có những bất cập cần phải tháo gỡ trong việc bán BHYT. Sau nhiều ý kiến phản ánh của người dân, mới đây, BHXH Kiên Giang đã bãi bỏ quy định chỉ thu tiền BHYT với người mua mới vào cuối tháng. Riêng quy định về số lượng đại lý ở từng địa phương, BHXH tỉnh đang nghiên cứu để có những thay đổi hợp lý.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đoàn thể tiếp tục vận động và mở rộng đại lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT nhiều hơn” - ông Tính khẳng định.
Chiếm dụng tiền BHYT
Không chỉ gặp khó khăn khi tiếp cận BHYT, người dân còn bị nhiều “quả lừa” từ các cán bộ bán BHYT. Ông Võ Tấn Dũng - ngụ thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang - cho biết cách đây không lâu, ông nhờ chị ruột tên Võ Thị Hường đến UBND thị trấn mua BHYT tại một đại lý do một cán bộ tên Duyên bán. Bà Hường cũng mua cho mình một suất với giá 610.000 đồng.
Sau đó, ông Dũng và bà Hường đợi mãi mà chẳng thấy bà Duyên gọi lên giao thẻ. Đến khoảng 5 tháng sau, 2 người mới biết bà Duyên bị vỡ nợ nên chiếm dụng tiền mua BHYT của người dân, không nộp về phòng BHXH huyện.
Trước yêu cầu của những người đã mua BHYT đợt này, UBND thị trấn Minh Lương thành lập tổ BHYT mới do một cán bộ tên Thoa phụ trách. Lãnh đạo địa phương hứa sẽ vận động gia đình bà Duyên trả lại tiền cho những người đã mua BHYT. Thật trớ trêu, không lâu sau khi nhận nhiệm vụ, bà Thoa lại lấy hết tiền BHYT của 60 người dân mới mua rồi đi đâu không rõ!
Trong khi đó, theo phản ánh của ông Lê Hoàng Nhất - ngụ xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang - vào khoảng tháng 2-2014, ông mua BHYT tự nguyện cho vợ. Sau khi nộp 567.000 đồng, ông được một cán bộ tên Lê Thị Hằng Ni hẹn 1 tháng rưỡi nữa đến lấy thẻ. Đến hẹn, ông Nhất đến đại lý bán BHYT thì mới biết người bán đã ôm tiền bỏ trốn khỏi địa phương.
“Chúng tôi là nông dân nghèo, kiếm được tiền mua BHYT rất vất vả. Nay vợ tôi đang nằm viện, không có thẻ BHYT nên gia đình không biết chạy vạy đâu đủ tiền chữa bệnh” - ông Nhất bức xúc.
Bắt khẩn cấp cán bộ chiếm dụng tiền BHYT
Cơ quan CSĐT Công an huyện An Biên vừa phối hợp với Công an tỉnh An Giang bắt khẩn cấp bà Lê Thị Hằng Ni do hành vi chiếm đoạt tiền BHYT của nhiều người dân.
“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xác minh xem liệu còn bao nhiêu người dân trong và ngoài xã, thậm chí ngoài huyện An Biên, đã bị bà Ni chiếm dụng tiền BHYT. Trước mắt, chúng tôi giữ số tiền hoa hồng từ dịch vụ này và vận động gia đình bà Ni khắc phục hậu quả. UBND xã sẽ tổ chức xin lỗi người dân vì quản lý cán bộ không chặt chẽ, để xảy ra tình trạng này” - ông Phan Công Gô, Chủ tịch UBND xã Đông Thái, cho biết.
Bình luận (0)