xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Miền HÀO SẢNG

LƯƠNG DUY CƯỜNG

Giữa ồn ào của phố xá, giữa bức bối của bê - tông và khói bụi, vẫn ngân lên những cung bậc ân nghĩa từ chính những thế hệ người dân Sài Gòn - TP HCM, dù họ vẫn đang chật vật với cuộc mưu sinh

Những năm 2000, tôi về quận Thủ Đức, TP HCM định cư, mua nhà ở phường Linh Trung, cạnh miếu Ông Nhậm. Tiếng là ở khu trung tâm quận nhưng chỗ này như vùng lõm, đường rất nhỏ và đi xuyên trong những vườn tre đầy dấu tích của ruộng rẫy đã hết thời phì nhiêu.

Ơn nghĩa - tri ân

Cứ độ giêng hai là miếu Ông Nhậm vào kỳ lễ hội, người đến cúng bái rất đông. Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ chắc ông Nhậm là một nhân vật thần bí nào đó rồi người ta thêu dệt lên khiến dân chúng mê tín mà kéo đến cúng bái, hóa ra không phải.

Ông Nhậm là người có thật. Dù tên tuổi, gốc gác chính xác thì ngay cả những người bây giờ giữ việc tế tự cũng không nhớ nhưng tất thảy dân chúng ở đây đều khẳng định ông Nhậm là người đầu tiên đã khai phá vùng đất này. Chính ông cũng đã cưu mang nhiều thế hệ người tứ xứ đến đây lập nghiệp.

Vì cái ơn nghĩa ấy mà khi ông Nhậm mất, dân chúng đắp cho ông ngôi mộ, cũng giản dị thôi, và dựng miếu thờ cạnh đó. Miếu này được các thế hệ dân chúng nhiều đời cung tiến, tôn tu để rồi to đẹp như ngày nay. Trong khuôn viên miếu, dân còn giữ được một cây rừng to lớn, để nhớ về một thời Thủ Đức là đại ngàn.

Lúc chưa về Thủ Đức định cư, tôi trọ một thời gian dài tại quận Gò Vấp, ở gần đình Thông Tây Hội - ngôi đình được xem là cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và cũng là của cả miền đất phương Nam. Đình Thông Tây Hội bây giờ nằm trên đường Thống Nhất, đoạn thuộc phường 11 - là trục chính nối hai làng Hạnh Thông Tây và An Hội cũ. Khi hai làng sáp nhập làm một vào năm 1944 thì đình làng Hạnh Thông Tây được chọn làm đình chung và đổi tên thành Thông Tây Hội.

Miền HÀO SẢNG - Ảnh 1.

Không chỉ có sự sôi động, ồn ào, hối hả, TP HCM còn là nơi hội tụ của những tấm lòng hào sảng. Trong ảnh: Một điểm phát cơm, bánh mì miễn phí cho người nghèo trên đường Lê Hồng Phong, quận 10 Ảnh: LÊ PHONG

Với một ngôi đình được xây dựng từ khoảng năm 1679, sau đó đã qua nhiều lần tôn tu, phục dựng… và hiện vẫn gìn giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc và vật liệu xây dựng của lần trùng tu quy mô nhất vào thế kỷ XIX, thì hẳn phải mang nhiều giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử, xã hội… Vì thế, tôi đã để ý tìm hiểu đình Thông Tây Hội.

Điều thú vị nhất khiến tôi lưu tâm nhiều ở đình Thông Tây Hội là ngoài việc thờ Thành Hoàng theo phong tục của người Việt ta mà đình làng nơi khác cũng vậy, rồi thờ các thiên thần như thần nông, thần hổ, thần phúc đức, tiên sư, quan đế…, thì ở đây còn thờ cả những vị nhân thần là tiền hiền, hậu hiền, liệt sĩ.

Tôi nghiệm ra một điều tâm huyết rằng không phải đợi đến bây giờ - khi đã là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, mà ngay từ thuở ban đầu được dựng lên với vật liệu đơn sơ bằng gỗ lá, đình Thông Tây Hội đã mang rõ thông điệp của người dân trong vùng: Tri ân những người có công trực tiếp khai khẩn, tạo lập nên vùng đất này. Cũng như chuyện người dân Thủ Đức thờ ông Nhậm, tôi nhận ra rằng giữa ồn ào của phố xá, giữa bức bối của bê-tông và khói bụi, vẫn ngân lên những cung bậc ân nghĩa từ chính những thế hệ người dân Sài Gòn - TP HCM, dù họ vẫn đang chật vật với cuộc mưu sinh.

Hào hiệp

Số liệu thống kê từ lâu đã xác định TP HCM có đủ cả 54 dân tộc trong thành phần dân cư. Đó là một đặc trưng mà không phải đô thị nào ở nước ta cũng có, chứng tỏ vùng đất này qua bao thế hệ đã có sức hút mạnh mẽ, quy tụ người tứ xứ.

Sách "Đại Nam thực lục" (triều Nguyễn) ghi năm 1698, khi được phái vào phương Nam, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long; dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định)…, mở rộng đất được ngàn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những dân xiêu dạt từ Bố Chính (tỉnh Quảng Bình ngày nay) trở về Nam đến ở cho đông.

Sử cũ đều ghi vùng đất này thuở ấy hoang vu, thưa thớt lắm nhưng việc mưu sinh thì rất thuận lợi. Doãn Uẩn (1795-1850) - danh thần thời Nguyễn - trên đường đi trấn giữ vùng biên cương Tây Nam đã ghi chép về phương Nam nói chung: "Việc trồng lúa thì cứ phát rạp lau sậy, bừa cỏ hai - ba lần rồi cấy, không phí sức nhiều. Như đã cấy rồi thì không cần trông nom nhiều, cũng khỏi phải lo nước hạn".

Chính việc dân cư cơ bản xuất phát từ các vùng quê vốn nhiều thiên tai lại có truyền thống siêng năng cần cù, gặp điều kiện mưu sinh thuận lợi đã giúp họ sớm có của ăn của để. Đó cũng là yếu tố quan trọng để tạo nên tính cách hào hiệp, phóng khoáng của người dân vùng này mà Trịnh Hoài Đức, sử gia nổi tiếng của nước ta trong thế kỷ XVIII - XIX, đã ghi lại trong "Gia Định Thành thông chí": "Ở Gia Định, có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau dâng tiếp cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể người thân sơ, quen lạ, tông tích ở đâu, ắt đều thâu nạp khoản đãi, cho nên người đến chơi không cần đem tiền gạo theo".

Nói đến chuyện hào hiệp, phóng khoáng và ân nghĩa, nhiều người dân TP HCM thường kể về ông Vi Thiếu Bá, có cha là thầy thuốc người Hoa, mẹ người Việt. Ông Bá đi học ở nước ngoài, tốt nghiệp trường kinh doanh và trung cấp y khoa của Pháp, thông thạo nhiều ngoại ngữ mới quay về nơi sinh thành. Ông lập "Nhị Thiên Đường Chế dược xưởng" ở vùng Chợ Lớn (quận 5 bây giờ), chế ra các sản phẩm như dầu gió, cao nóng từng thịnh hành trên thị trường nhiều nước. Cũng như những thế hệ người Hoa đến Sài Gòn định cư vốn đi lên từ gian khó, khi đã giàu có, ông sẵn lòng giúp đỡ người nghèo khổ.

Ông Vi Thiếu Bá đã giúp dân nghèo nhiều việc. Ông xây cây cầu mang tên Nhị Thiên Đường bắc qua kênh Tàu Hủ ở quận 8. Nhà văn Sơn Nam từng kể rằng khắp xứ Đông Dương hồi ấy chỉ có cầu sắt, đây là cầu đầu tiên bằng xi-măng cốt thép. Ở giao lộ Trần Hưng Đạo B - Nguyễn Văn Đừng (quận 5) có hai hẻm Tô Châu (số 37) và Thái Hồ (số 55), với tổng cộng cả trăm căn hộ. Các thế hệ người đến sống ở đây vẫn luôn nhắc nhau nhớ để tri ân người đã cho cha ông họ thuê nhà. Tri ân là vì người thuê thì đã ở miễn phí hết thế hệ này sang thế hệ khác mà chủ nhà thì chưa từng xuất hiện. Chủ nhà là ai thì dân ở đây vẫn khẳng định là ông Vi Thiếu Bá.

Mới đây, người ta nhắc nhiều đến anh Lưu Văn Hữu, kinh doanh chính nghề nail, spa ở khu đô thị Vạn Phúc, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Từ khốn khó, nhờ làm ăn tử tế mà anh khá lên. Thấy dân quê đến TP HCM khám chữa bệnh vất vả quá, vạ vật khắp nơi, thế là cả gia đình anh dồn xuống tầng 1 căn nhà riêng để sinh sống. Còn tầng 2 và 3, anh tận dụng làm thành các phòng với giường tầng giúp được cùng lúc 40 suất ở miễn phí cho người bệnh và thân nhân.

Ở phường Long Phước, quận 9 thì có "ông Bụt" Bùi Công Hiệp. Ông vừa trao tặng 2.500 m2 đất và căn nhà 3 tầng, tổng trị giá hơn 100 tỉ đồng, làm ngôi nhà chung cho 88 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi…

TP HCM được xem là đô thị năng động nhất cả nước. Nhưng không chỉ có sự sôi động, ồn ào, hối hả, TP HCM còn là nơi hội tụ của những tấm lòng hào sảng. 

Ấm lòng người nghèo khó

Ở TP HCM, những người như anh Lưu Văn Hữu hay ông Bùi Công Hiệp rất nhiều và hành động của họ lan tỏa khắp nơi. Bởi thế, không lạ khi ở TP HCM có vô vàn điểm đặt bình nước lọc hay thùng bánh mì miễn phí. Cũng không thể đếm hết các "Quán cơm Nụ cười" chỉ với giá 2.000 đồng/suất nhưng đủ ấm lòng người nghèo khó. TP HCM cũng là nơi khởi phát chương trình xóa đói giảm nghèo mà nay đã lan tỏa cả nước. Khi bất cứ tỉnh, thành nào gặp thiên tai bão lũ là người dân TP HCM luôn đi đầu trong việc hỗ trợ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo