Đồng Hung (thôn Đạm Thủy 3, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) là một vùng đất nông nghiệp phì nhiêu, màu mỡ. Thế nhưng, từ khi mỏ đá của Công ty TNHH Mai Thanh đi vào hoạt động, hàng chục hecta ruộng của người dân không thể canh tác.
Bỏ ruộng
Theo thư phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về Đồng Hung, tận mắt chứng kiến khu vực khai thác mỏ đá của Công ty TNHH Mai Thanh mỗi lúc hoạt động thì bụi bay mù mịt, đất đá rơi tung tóe khắp các thửa ruộng.
“Gia đình tôi có thửa ruộng gần 500 m2, nằm cách khu vực khai thác đá chừng 200 m. Trước đây, chúng tôi làm ruộng ở cánh đồng đó nhưng nay phải bỏ trồng vì hằng ngày mỏ đá nổ mìn, đá và bụi trên núi ào ào rơi xuống đè hết lúa” - ông Hoàng Văn Long (50 tuổi) cho biết.
Dẫn chúng tôi ra thửa ruộng nhà mình, bà Nguyễn Thị Cúc (48 tuổi) cúi xuống ôm những hòn đá, có hòn nặng tới 10 kg, từ ruộng lên bờ rồi than phiền: “Sống ở vùng núi nên đất nông nghiệp ít, cả nhà tôi chỉ được 2 sào ruộng nuôi 5 miệng ăn không đủ, vậy mà giờ phải bỏ đi mất 1 sào vì bụi đá”.
Theo người dân ở đây, khu vực khai thác đá nằm cạnh đồng lúa và nhà dân nhưng Công ty TNHH Mai Thanh không hề có phương án bảo vệ khi nổ mìn phá đá. Trong bán kính 2 km tính từ vị trí mỏ đá, người dân không thể sản xuất được do bụi đá bám dày đặc trên cây làm cho lúa không thể phát triển. Những hộ ở xa hơn một chút, mỗi lần canh tác, người dân phải dọn dẹp mất mấy ngày vì đá từ các mỏ văng vung vãi trên ruộng.
“Hồi trước, khi ruộng còn canh tác được, bà con đang cặm cụi làm đồng mà nghe tiếng mìn nổ phá đá là ném cày, cuốc tìm nơi trú ẩn vì sợ đá đè trúng người” - ông Bùi Xuân Xin (52 tuổi) chia sẻ.
Ngoài ra, khu vực nghĩa trang xã Thạch Hóa nằm cách mỏ đá khoảng 100 m, nhiều ngôi mộ bị nứt nghiêm trọng.
Đền bù chưa thỏa đáng
Quá bức xúc trước việc khai thác đá phá hết đồng ruộng, người dân nơi đây đã làm đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương. Sau đó, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Mai Thanh đã có buổi làm việc với các hộ nông dân có ruộng bị ảnh hưởng trực tiếp để thỏa thuận phương án đền bù.
Theo bà Hoàng Thị Tường (56 tuổi), diện tích thửa ruộng của gia đình bà ở Đồng Hung có gần 400 m2. Khi còn canh tác, mỗi năm trồng được 2 vụ mùa, thu ít nhất hơn 2 tạ lúa. “Chúng tôi nhiều lần phản ánh, họ đồng ý bồi thường nhưng mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ họ đền cho 101.000 đồng thì lấy chi ăn?” - bà Tường bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa, cho biết toàn bộ diện tích ở Đồng Hung là 4,2 ha đất nông nghiệp, có khoảng 1 ha ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động khai thác đá nên bỏ hoang từ nhiều năm nay, số diện tích còn lại cũng chịu tác động không nhỏ nên cũng không thể sản xuất.
“Mỏ đá của Công ty TNHH Mai Thanh hoạt động đã tác động rất lớn đến ruộng đất của người dân ở Đồng Hung. Chúng tôi cũng đã nhiều lần lập đoàn đi kiểm tra và tiến hành lập biên bản xử phạt nhưng sau đó họ cũng đã tự thống nhất đền bù cho người dân. Họ cũng đã lên 3 mức đền bù, những hộ bị ảnh hưởng trực tiếp thì đền bù được nhiều hơn nhưng nói chung, so với làm ruộng thì cũng không ăn thua” - ông Bình nhìn nhận.
Bình luận (0)