Sáng 24-12, Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án "Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP HCM".
Cần khắc phục một số hạn chế
Tại hội nghị, nhiều đại biểu khẳng định ủng hộ đề án bởi là xu hướng tất yếu, phù hợp với việc xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các tuyến phố này, cần làm rõ các vấn đề liên quan như quy hoạch các bãi đỗ xe, sinh kế của người nghèo trong khu vực, quản lý an ninh trật tự, cũng như phải có quy chế quản lý vận hành các tuyến phố…
Phố đi bộ hồ Con Rùa được quận 3, TP HCM đề xuất triển khai trong thời gian tới .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Lấy thực tế từ 2 tuyến phố đi bộ hiện hữu là Nguyễn Huệ và Bùi Viện, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, bày tỏ lo ngại khi còn nhiều hàng quán, hàng rong tự phát dọc các tuyến phố gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, chưa kể còn tình trạng hét giá, giá cả chênh lệch giữa khách Tây - ta; chưa bố trí bãi giữ xe phù hợp hoặc có nhưng quá tải và giá giữ xe quá đắt; các CLB giải trí gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn; khách đi bộ dẫn theo thú nuôi gây mất vệ sinh; nhà vệ sinh còn nhếch nhác…
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, nếu tổ chức các tuyến phố đi bộ trong thời gian tới cần lưu ý khắc phục những hạn chế trên. Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý hỗ trợ những đối tượng yếu thế như người khuyết tật, người già, phụ nữ mang thai, trẻ em thông qua việc bố trí làn đi bộ dành riêng. Bố trí thêm các trạm dừng đỗ taxi, xe công nghệ, xe điện đón khách đi bộ trung chuyển đến những khu vực khác. Song song đó, ban hành quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ để các quy định khi ban hành không trái với quy định pháp luật nhằm dễ quản lý.
Cùng quan điểm, kiến trúc sư Khương Văn Mười bày tỏ khi tổ chức các tuyến phố đi bộ, người dân sống trong khu vực chịu ảnh hưởng trước tiên, đặc biệt là những người nghèo bán hàng rong. Nên chăng, tổ chức một khu vực cho những hộ buôn bán hàng rong như một số nơi đang thí điểm tại quận 1.
Cho rằng khi tổ chức các tuyến phố đi bộ, ngoài ảnh hưởng việc đi lại của người dân, ông Phan Anh Minh (nguyên Phó Giám đốc Công an TP HCM) bày tỏ lo ngại về nguy cơ mất an ninh trật tự bởi các tuyến phố sẽ hút khách vãng lai đến nhiều, do đó việc quản lý không chỉ phân cấp cho quận 1 vì nhiều hạng mục, đầu tư thuộc các sở, ngành khác nhau.
Lưu ý kết nối "không gian ngầm"
Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng, cho biết đề án tập trung xây dựng các tuyến phố đi bộ trên đường Lê Lợi, Đồng Khởi, nhà thờ Đức Bà và hồ Con Rùa - khu vực có mối quan hệ mật thiết với không gian ngầm của TP HCM. Cụ thể, dưới các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi có tuyến metro số 1 đi qua cũng có không gian đi bộ ngầm, vì vậy cần đánh giá thêm để tránh lãng phí trong đầu tư.
Trong khi đó, PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân (Trưởng Khoa Đô thị học - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) đề xuất nghiên cứu kỹ về phương án tổ chức giao thông, phân luồng, bố trí các bãi đỗ xe cũng như phân bố các tuyến phố đi bộ ở những khu trung tâm mới nhằm giãn dân.
Tiếp thu các ý kiến phản biện, PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đề án thuộc Công ty TNHH Tư vấn Giao thông Vận tải và Đô thị (TUC), cho biết việc tổ chức phố đi bộ trong khu trung tâm TP là rất cần thiết, giúp giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn, tạo mỹ quan đô thị, phục vụ phát triển kinh tế - du lịch, đời sống… Có 3 phương án được đưa ra, trong đó phương án 2 - tổ chức phố đi bộ ở 5 tuyến đường: Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách - nhận được nhiều sự ủng hộ nhất. Đây là khu vực có mạng lưới giao thông bố trí theo kiểu hình vuông đặc trưng, các mô hình kinh doanh chủ yếu là hỗn hợp bán lẻ, cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng, chợ truyền thống và hiện đại. Phố đi bộ mới khi hoàn tất sẽ kết nối vào 2 phố đi bộ hiện hữu (Nguyễn Huệ, Bùi Viện) hình thành mạng lưới đi bộ ngay trung tâm TP HCM. Trên các tuyến này, cho phép một số phương tiện cơ giới đi lại vào các ngày trong tuần và cấm tất cả phương tiện lưu thông vào các ngày cuối tuần.
Về bố trí các bãi đậu xe, ông Vũ Anh Tuấn cho rằng khi tổ chức các tuyến phố đi bộ, diện tích mặt đường, vỉa hè thừa sẽ tổ chức cho 1.800 chỗ đậu xe máy, 1.200 chỗ đậu ôtô, đáp ứng 70% nhu cầu đậu xe máy, 50% nhu cầu đậu ôtô. Phần thiếu còn lại sẽ cân đối từ các bãi đậu xe vòng ngoài khu vực. Về kết nối các tuyến phố đi bộ với không gian ngầm, ông Tuấn cho biết dù có không gian ngầm hay không thì quan điểm của nhóm đề án là không gian nổi vẫn quan trọng hơn vì người dân được hít thở không khí trong lành, còn không gian ngầm chỉ là nơi kết nối giao thông.
Cần hơn 74 tỉ đồng thực hiện đề án
Đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP HCM được Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) trình UBND TP HCM tháng 10-2020 và tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành, chuyên gia.
Đề án nhằm nghiên cứu tiến hành mở rộng một số tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm TP HCM trong giai đoạn 2021-2025 theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2.000 (quy hoạch phân khu) khu trung tâm hiện hữu 930 ha. Tổng kinh phí thực hiện đề án đến năm 2025 là hơn 74 tỉ đồng, chia 3 giai đoạn thực hiện.
Khi triển khai, Sở Giao thông Vận tải sẽ bố trí lại giao thông, điều chỉnh các tuyến xe buýt và cải thiện cơ sở hạ tầng như bãi đậu xe, nút giao và lối qua đường hỗ trợ tốt nhất cho người đi bộ.
Bình luận (0)