Điệp khúc kiểm tra, xử phạt vẫn được chính quyền nhiều địa phương ở TP HCM thực hiện nhưng hiếm khi rút giấy phép hoặc đình chỉ vô thời hạn đã làm cho các cơ sở vi phạm gây ô nhiễm môi trường coi việc đóng phạt như "vận đen" chứ không hề sợ bị "trục xuất khỏi địa phương".
Xử phạt rồi tiếp tục xử phạt
Liên quan đến các cơ sở sản xuất thải khí gây ô nhiễm môi trường ở đường liên ấp 1-2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM mà Báo Người Lao Động phản ánh gần đây, chính quyền xã này đã xác định đó là cơ sở chuyên giặt, sấy quần jeans của ông Bùi Văn Tài và Phạm Duy Hiển.
Ông Võ Trường Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, cho biết 2 cơ sở này hoạt động có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên xã đã phối hợp Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Bình Chánh lấy mẫu để làm căn cứ xử phạt. Theo đó, từ năm 2016, hai hộ này đã bị xử phạt vì xả khí thải và nước thải vượt quy chuẩn nhưng sau đó đã đóng phạt và tiếp tục hoạt động. Ngày 13-3, Phòng TN-MT huyện Bình Chánh đã kiểm tra lấy mẫu khí thải, nước thải tại hộ ông Phạm Duy Hiển. Sau khi có kết quả phân tích sẽ thông báo cho UBND xã cũng như quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu mẫu phân tích vượt quy chuẩn. Ông Thành cho biết xã này đã ban hành kế hoạch kiểm tra xử lý các cơ sở giặt, sấy, tẩy, nhuộm trên địa bàn nhằm ngăn chặn và phối hợp các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Riêng các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ở khu phố 5, phường Tân Thới Nhất, quận 12, đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục hoạt động khiến cư dân bất an bởi nhiều cơ sở lén lút xả thải về đêm. Từ tháng 3 đến tháng 8-2017, UBND quận 12 đã phối hợp công an kiểm tra về môi trường và tài nguyên nước của 7 doanh nghiệp quanh chung cư Tecco Green Nest. Nhiều doanh nghiệp bị xử phạt hàng trăm triệu đồng, thậm chí bị đình chỉ hoạt động đến 9 tháng. Ngoài đóng tiền phạt, các doanh nghiệp này buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Một lãnh đạo UBND quận 12 cho biết theo kế hoạch, các cơ sở gây ô nhiễm phải di dời khỏi các khu dân cư. Hiện quận 12 đang tập trung di dời 5 cơ sở ở phường Đông Hưng Thuận, sau đó sẽ thực hiện ở phường Tân Thới Nhất.
Cột khói cao hàng chục mét theo gió bay về hướng chung cư Tín Phong khiến người dân khó thở
Doanh nghiệp không muốn di dời
Sở TN-MT TP HCM cho biết theo Quyết định số 383 ngày 24-1-2017 về phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường năm 2015- 2016 thì toàn TP có tổng cộng 163 cơ sở nằm rải rác ở cả nội thành và ngoại thành. Theo chỉ đạo của TP, những cơ sở này phải thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, tùy vào tình hình mà phải cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt tiêu chuẩn cũng như thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, mùi, hơi dung môi đạt tiêu chuẩn.
Lãnh đạo Sở TN-MT thông tin thêm là theo "Đề án thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm vào khu công nghiệp và vùng phụ cận" được TP phê duyệt từ năm 2002, có đến 1.402 cơ sở buộc phải điều chỉnh. Hằng năm, Sở TN-MT luôn rà soát các cơ sở hoạt động trên địa bàn để tổng hợp, trình UBND TP danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và biện pháp xử lý các cơ sở này. Điển hình là gần đây, Sở TN-MT đã tham mưu TP ban hành kế hoạch thí điểm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại khu phố 4, khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận của quận 12. Kết quả đã di dời được 16 cơ sở vào KCN Lê Minh Xuân 2 và 5 cơ sở chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời sang địa phương khác.
Sở TN-MT nhìn nhận các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa chủ động di dời theo đúng nội dung, tiến độ đề ra và thường xin gia hạn thời gian di dời để hoàn tất các hợp đồng giao dịch với khách hàng, giải quyết các khoản nợ tài chính, ngân hàng, lương công nhân. Thậm chí, có cơ sở còn đối phó bằng cách đóng cửa nhà xưởng, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát việc hoàn thành di dời hay chưa.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đầu tư dự án mới, một số cơ sở trong số này đã lợi dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đầu tư, giá thuê đất và dịch vụ hạ tầng khi chuyển nhượng dự án hoặc hợp tác cùng các đối tác khác nhưng tỉ lệ góp vốn rất nhỏ, có khả năng sẽ chuyển nhượng toàn bộ dự án cho đối tác.
Không thu hút công nghiệp gây ô nhiễm
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, cho biết theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội, TP xác định 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực là cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su, điện tử - công nghệ thông tin. TP không thu hút các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Các sở, ngành và quận, huyện sẽ căn cứ theo định hướng này trong quá trình xem xét đầu tư, hạn chế tiếp nhận các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường. Sở TN-MT sẽ xem xét kỹ đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư mới.
Bình luận (0)