“Việc tranh chấp đất giữa gia đình tôi và người khác xảy ra hơn 20 năm nay, đã qua nhiều cấp tòa xét xử. Năm 2011, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên gia đình tôi thắng kiện nhưng 5 năm bản án có hiệu lực vẫn chưa được thi hành do người phải thi hành án (THA) cố tình kéo dài mà các cơ quan chức năng không làm gì được” - bà Trần Thị Thu Hà (quận Bình Thạnh, TP HCM) trình bày với Báo Người Lao Động.
Cố tình kéo dài
Theo đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên buộc bà L.T.K trả cho gia đình bà Hà 900 triệu đồng, do bà L.T.K không tự nguyện thi hành nên gia đình bà Hà làm đơn đề nghị THA. Ngày 2-12-2011, Cục THA Dân sự TP HCM ban hành quyết định THA, rồi quyết định cưỡng chế kê biên xử lý tài sản… nhưng không ăn thua. Đến ngày 31-3-2015, Cục THA Dân sự TP lại ban hành quyết định hoãn THA với lý do nhận được thông báo thụ lý vụ án liên quan đến tài sản THA.
“Tôi biết bà K. cố tình kéo dài THA khi tiến hành vụ kiện dân sự khác: chia tài sản sau khi chồng bà chết (chồng bà K. mất từ năm 2010 nhưng đến năm 2015 mới khởi kiện chia tài sản - PV). Gia đình tôi phải đợi việc chia tài sản của gia đình bà K. giải quyết xong thì bản án của gia đình chúng tôi mới tiếp tục được thi hành. Trong khi đó, gia đình bà K. có 7 người con, chỉ cần mỗi lần xử vắng mặt 1 người là đủ kéo dài vụ án rồi… Công sức hàng chục năm theo đuổi vụ kiện coi như đổ sông đổ biển” - bà Hà rầu rĩ.
Chấp hành viên Đỗ Phú Sinh - Cục THA Dân sự TP HCM, chấp hành viên được phân công tổ chức THA bản án của gia đình bà Hà - cho biết trong quá trình THA do TAND quận Bình Thạnh đang thụ lý vụ án liên quan đến tài sản THA nên phải hoãn thi hành cho đến khi nào tòa án giải quyết xong. Việc hoãn THA là đúng quy định pháp luật.
Vừa qua, ông Bùi Lâm Xuân Giang (ngụ quận 6) lại đến Báo Người Lao Động khiếu nại về việc quyết định của tòa án đã hơn 3 năm, Cục THADS TP HCM đã đề nghị Chi cục THADS quận 6 tổ chức THA lại gần 1 năm nay nhưng bản án vẫn chưa thi hành xong.
Cụ thể, tháng 8-2012, trong quá trình xây dựng công trình mới trên phần sân trống trước nhà, bà Trần Thị Hồng Đào đã đấu nối công trình xây dựng mới vào kết cấu chung hiện hữu gây lún nứt nhà ông Giang. Vụ việc được đưa ra tòa, TAND quận 6 buộc bà Đào tách hẳn công trình mới ra khỏi kết cấu chung hiện hữu của 2 căn nhà.
Bản án có hiệu lực và dù ông Giang đã cung cấp hồ sơ, đóng tiền tạm ứng kiểm định... nhưng việc THA cứ dùng dằng do bà Đào không đồng ý kiểm định. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 6, cho biết sẽ xin ý kiến chỉ đạo từ Cục THA Dân sự TP HCM để giải quyết dứt điểm vụ việc.
Làm khó người được thi hành án
Trường hợp của ông Nguyễn Thanh Nhàn (ngụ quận 5) lại bị người phải THA làm khó bằng “chiêu” khác. Theo quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của TAND quận 10, ông Nhàn có trách nhiệm cấp dưỡng cho con, được quyền thăm và chăm sóc con chung. Khi quyết định có hiệu lực pháp luật, ông Nhàn đã thực hiện trách nhiệm của mình nhưng quyền thăm và chăm sóc con thì luôn bị vợ cũ ngăn cấm và cản trở. “Bà ấy chỉ cho tôi đến thăm chứ không cho tôi đưa con đi chơi, đi thăm ông bà nội, đe dọa sẽ không cho tôi được gặp con nếu tôi không nghe theo” - ông Nhàn kể.
Bức xúc trước thái độ và cách cư xử của vợ cũ, ông Nhàn đã gửi rất nhiều đơn đến Chi cục THA Dân sự quận 10, Cục THA Dân sự TP HCM nhưng tất cả đều trả lời không có cơ sở thụ lý. “Trường hợp của ông Nhàn làm sao xử lý khi quyết định của tòa án chỉ tuyên như vậy? Có chăng người mẹ nghĩ đến tình cảm cha con để cho ông Nhàn được gặp con” - một chấp hành viên thuộc Chi cục THA Dân sự quận 10 cho biết.
Trường hợp khác, theo bản án có hiệu lực pháp luật của TAND quận Tân Phú, ông N.Đ.T.V có trách nhiệm trả cho bà Đ.T.N (ngụ cùng quận Tân Phú) 200 triệu đồng. Đã hơn 7 năm trôi qua, bản án vẫn chưa được thi hành do không xác minh được tài sản của ông V. “Hằng ngày, ông V. vẫn đi ô tô, ở nhà lầu nhưng không đứng tên sở hữu vì đã chuyển dịch tài sản cho người thân trước khi tranh chấp xảy ra. Tài sản không đứng tên ông ta nên chấp hành viên cũng không thể làm được gì…” - bà N. rầu rĩ.
Luật cần xem xét bổ sung quy định
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP HCM), trong quá trình tư vấn pháp luật, ông gặp rất nhiều trường hợp người được THA bị làm khó nhưng các lý do đưa ra lại phù hợp với quy định pháp luật nên cơ quan chức năng cũng không thể làm gì được. Luật THA mới tuy có nhiều ưu việt nhưng trước những vụ việc xảy ra trong thực tế như hiện nay, thiết nghĩ cần xem xét bổ sung quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người được THA.
Bình luận (0)