Hơn 20 năm sống trong khu vực quy hoạch treo, người dân phường Thạnh Xuân và Thới An (quận 12, TP HCM) mong ngóng có ngày thoát khỏi cảnh khổ và tạo lập một cuộc sống mới. Thông tin quận 12 quyết tâm đầu tư xây dựng công viên 150 ha đã đem niềm vui lớn cho người dân nơi đây.
Nhiều hy vọng
Trong cơn lốc đô thị hóa, quận 12 vẫn giữ được đất quy hoạch công viên cây xanh (CVCX). Theo Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức, khu vực quy hoạch CVCX cũ hiện là đất trống, nhà dân thưa thớt đan xen, phù hợp phát triển thành công viên đa chức năng.
Hơn 20 năm nay vướng quy hoạch treo, người dân khu phố 2 (phường Thạnh Xuân) mưu sinh với ruộng, vườn. "Cuộc sống nơi đây yên bình, vắng vẻ không khác gì miền quê. So với Hóc Môn, Củ Chi, nơi đây buồn hơn rất nhiều. Nói đâu xa, ngay phường Thạnh Lộc bên cạnh, kênh rạch được khơi thông, đường 2 bên trải bê-tông, thảm nhựa khang trang. Nhìn lại mình, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chưa kể, vì quy hoạch, người dân muốn mua bán đất, xây dựng nhà cửa không được… " - anh Nguyễn Văn Bé trải lòng.
Ngôi nhà cũ do ông bà để lại càng thêm chật khi nhà anh Bé có thêm 2 thành viên mới. Nhiều lần đề đạt với địa phương, anh mới được phép hàn thêm khung sắt, dựng vài tấm tôn lấy chỗ cho con cái sinh hoạt, vui chơi.
"Mong nhà nước có chính sách tái định cư phù hợp, gần công viên để người dân được hưởng thụ những tiện ích từ dự án, nâng cao chất lượng cuộc sống" - anh Bé mong muốn.
Vợ chồng anh Lê Văn Nhi đang nhặt rau tại một khu vườn ở khu phố 2
Bà Nguyễn Thị Oanh (khu phố 2) nói nhiều người dân vui mừng khi hay tin các chuyên gia, nhà khoa học hiến kế cho thành phố, quận 12 xây dựng CVCX đa chức năng. Hy vọng dự án sớm hoàn thành để người dân có điều kiện tạo lập cuộc sống mới, thoát khỏi nỗi khổ "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". "Chúng tôi vui mừng vì có thể sớm thoát quy hoạch treo nhưng đừng để người dân lại dính dự án treo. Khổ lắm" - bà Oanh vừa mừng vừa lo.
Canh tác trên mảnh vườn rộng 2.000 m2 của người em (khu phố 2), ông Lê Văn Đức cho biết khu vực này nhiễm phèn nên làm quần quật quanh năm nhưng tiền thu được cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống qua ngày chứ không dư dả. Cũng vất vả như ông Đức, tài sản của vợ chồng anh Lê Văn Nhi chỉ là ngôi nhà vách tôn tạm bợ, bữa cơm gia đình, tiền học cho con, đều trông cậy vào những vườn rau. Anh là "mối ruột" của một số chủ vườn khi hằng ngày đến phụ thu hoạch rau, củ, quả rồi đem qua chợ An Nhơn (quận Gò Vấp) bán.
Cả ông Đức, anh Nhi đều hy vọng dự án CVCX sẽ làm thay đổi hình ảnh địa phương, giúp người dân "đổi đời". Mong rằng nhà nước sẽ tổ chức cho người dân tái định cư tại chỗ để cuộc sống bớt xáo trộn.
Công viên mang tầm vóc quốc gia
Đồ án quy hoạch chung quận 12 từ năm 1999 đã quy hoạch công viên rộng 250 ha ở 2 phường Thạnh Xuân và Thới An. Sau đó, đồ án quy hoạch chung điều chỉnh quận 12 được UBND TP HCM phê duyệt năm 2012, quy mô công viên được cắt giảm còn 150 ha.
Đến cuối năm 2019, UBND thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng công viên đa chức năng, phục vụ các nhu cầu đa dạng về thưởng lãm, sinh hoạt, khai thác các loại hình vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng (không lưu trú). Khu CVCX 150 ha hiện chủ yếu nằm trên địa bàn khu phố 2, phường Thạnh Xuân với hơn 650 hộ dân đang sinh sống. Theo UBND phường Thạnh Xuân, khu vực này có khoảng 20% đất nhà ở, còn lại là đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là đất vườn, ruộng trồng lúa.
Để có đất CVCX, quận 12 đã "căng mình" giữ đất, tạo thuận lợi cho giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án. Phó Chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc cho biết: "Quận 12 đã giữ được đất công viên nhưng giờ không giữ nữa mà quyết tâm đầu tư xây dựng". Theo đó, quận 12 sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để thi tuyển quốc tế, mời tư vấn nước ngoài và trong nước cùng tham gia để đề xuất xây dựng công viên hấp dẫn ở TP HCM.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đặng Phú Thành đề nghị quận 12 xin cơ chế để giải phóng mặt bằng trước rồi kêu gọi nhà đầu tư tham gia.
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Phan Văn Tuấn cho rằng hiện nay TP HCM đang điều chỉnh quy hoạch chung nên quận 12 tính toán để đề xuất điều chỉnh quy hoạch phù hợp, trong đó lưu ý vấn đề tái định cư bên trong công viên hay bên ngoài.
Nếu tổ chức tái định cư trong công viên thì xác định quy mô để đưa vào đồ án quy hoạch chung sắp tới. Công viên đa chức năng 150 ha không chỉ mang tầm vóc thành phố mà xa hơn nữa là quốc gia trong thu hút khách du lịch.
Phát triển du lịch đường thủy
Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức cho biết quận rộng hơn 5.270 ha, dân số hơn 675.000 người, với vị trí là cửa ngõ phía Tây Bắc của thành phố. Hệ thống đường bộ với Quốc lộ 22 và Quốc lộ 1 là cầu nối giao thông giữa các tỉnh miền Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ. Khu công viên có diện tích khoảng 150 ha với địa hình tương đối bằng phẳng và hệ thống kênh rạch tự nhiên đan xen kết nối hướng ra sông Sài Gòn, là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển chức năng du lịch, giao thông đường thủy tạo nên giá trị riêng của khu vực.
Bình luận (0)