Tháng 3-2009, bà Ðinh Thị Hồng (qua đời tháng 3-2016) ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng một mảnh đất có tài sản gắn liền (tại quận 12, TP HCM) cho ông Nguyễn Hữu Ðạt (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) với giá 1,5 tỉ đồng. Việc thanh toán tiền do hai bên tự thực hiện. "Tiền trao cháo múc", ông Ðạt làm thủ tục sang tên giấy tờ và đến nhận nhà. Tưởng rằng mọi việc đã xong, ông nào ngờ gia đình người bán nhà cho bà Hồng vẫn còn cư trú tại đây. Rắc rối bắt đầu từ đó.
"Té ngửa"!
Lúc này, bà Hồng cùng gia đình ông Trương Văn Hùng và bà Lê Thị Mỹ Hạnh (ngụ quận 12, TP HCM, người bán nhà cho bà Hồng) mong ông Ðạt tạo điều kiện giúp gia đình ông Hùng ở lại căn nhà thêm 6 tháng. Ông Ðạt chấp nhận. Hết thời hạn, ông Ðạt nhiều lần đòi nhà, song gia đình ông Hùng không chịu dọn đi. Không còn cách khác, ông Ðạt kiện ra TAND quận 12, yêu cầu gia đình ông Hùng trả lại nhà đất mà ông mất tiền mua từ bà Hồng.
Trong khi đó, vợ chồng ông Hùng, bà Hạnh cho là ông bà mới là chủ nhân nhà đất trên. Ông Hùng cho biết tháng 12-2008, bà Hồng đồng ý mua bất động sản này với giá 2,5 tỉ đồng. Vợ chồng ông Hùng nhận cọc 600 triệu đồng. Do chưa gom đủ tiền nên bà Hồng lập hợp đồng vay với bà Hạnh có nội dung bà Hồng nợ bà Hạnh 1,9 tỉ đồng. Thực chất đây là số tiền bà Hồng chưa thanh toán khi mua nhà đất. Cầm giấy nợ, vợ chồng ông Hùng cảm thấy chắc ăn hơn và giao giấy tờ nhà đất để bà Hồng làm thủ tục sang tên. Sau đó, bà Hồng không trả 1,9 tỉ đồng theo thỏa thuận trong giấy vay nợ. "Trong thời gian làm giấy tờ, bà Hồng đưa vợ chồng tôi đi xem một miếng đất ở tỉnh Bình Dương. Bà Hồng nói sẽ dùng 1,9 tỉ đồng mua lại miếng đất này giúp gia đình tôi. Gia đình tôi hoàn toàn tin tưởng nên không giục bà Hồng trả tiền. Ai ngờ, bà ta không những lật lọng mà còn âm thầm bán nhà đất" - ông Hùng tức giận.
Nhiều lần làm việc tại tòa sơ thẩm, bị đơn nêu quan điểm sẽ giao nhà đất nếu bà Hồng hoàn trả 1,9 tỉ đồng. Xử sơ thẩm vụ án vào tháng 2-2016, TAND quận 12 tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là ông Ðạt. Cấp sơ thẩm công nhận hợp đồng chuyển nhượng có công chứng giữa nguyên đơn với bà Hồng. Từ đó, HÐXX buộc gia đình bị đơn - tức ông Hùng - dọn ra và trả nhà.
Không đồng tình, vợ chồng ông Hùng kháng cáo. Qua đời từ tháng 3-2016 nên bà Hồng không thể tham gia quá trình phúc thẩm. Tòa phúc thẩm triệu tập chồng bà dự tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Tại tòa, ông này thừa nhận ông có biết việc mua bán căn nhà bằng giấy tay với giá 2,5 tỉ đồng giữa vợ mình và gia đình ông Hùng. Nhưng bản thân ông không dính dáng đến việc mua bán. Tiền mua nhà đất là tiền riêng do bà Hồng tích cóp.
Căn cứ diễn biến tại tòa, hồ sơ, cấp phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm. Khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, phía bị đơn gửi đơn thư khiếu nại đến nhiều nơi, không chấp nhận thi hành án. VKSND TP cũng có văn bản đề nghị hoãn thi hành án. Mới đây, vợ chồng ông Hùng lại xác lập vi bằng nhận tiền từ vợ chồng con gái. Ông Hùng cho biết vợ chồng ông bán nhà đất trên cho vợ chồng con gái. Vụ việc vẫn chưa có hồi kết.
Vợ chồng ông Hùng (phải) lập vi bằng giao nhận tiền bán nhà đất trong vụ án trên cho vợ chồng con gái
Chỉ ký bán khi nhận đủ tiền
Trong vụ án, ông Ðạt mất tiền mua, đứng tên sở hữu hợp pháp nhiều năm nhưng chưa thể bước chân vào căn nhà. Cám cảnh không kém, gia đình ông Hùng có nguy cơ mất trắng 1,9 tỉ đồng. Trong khi, "mắt xích" quan trọng - bà Hồng đã mất. Ðây là bài học đắt giá đối với nhiều trường hợp tưởng như giao dịch chắc ăn khi có thêm giấy vay mượn nợ.
Theo thẩm phán Bùi Văn Trí, chủ tọa phiên xét xử phúc thẩm, cấp sơ thẩm công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có gắn liền với tài sản giữa nguyên đơn với bà Ðinh Thị Hồng, buộc gia đình bị đơn giao trả tài sản này cho ông Ðạt là đúng căn cứ pháp luật (theo điều 93 Luật Nhà ở 2006; điều 168, điều 170 Bộ Luật Dân sự 2005).
Tham gia phiên phúc thẩm, đại diện VKSND TP HCM phân tích hợp đồng chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Hùng với bà Hồng đã hoàn thành. Về số tiền bà Hồng chưa thanh toán, hai bên đều tự nguyện chuyển thành tiền vay. Theo quy định, tài sản đó do bà Hồng sở hữu từ khi UBND quận 12 cập nhật sang tên vào tháng 12-2008. Kế tiếp, bà Hồng chuyển nhượng nhà đất sang ông Ðạt. Giao dịch này cũng hoàn thành, không phát sinh tranh chấp. UBND quận 12 một lần nữa cập nhật thông tin vào giấy tờ nhà đất. Vì lẽ đó, đại diện VKS nhận thấy HÐXX không có cơ sở chấp nhận nội dung kháng cáo.
Luật sư Nguyễn Ðức Thắng Ý, Giám đốc Công ty Luật TNHH Bình Chánh (TP HCM), lưu ý khi ra công chứng giao dịch mua bán tài sản, người bán chỉ ký tên khi nhận đủ tiền; tuyệt đối không chuyển số tiền sang một giao dịch khác. Ðối với số tiền 1,9 tỉ đồng, luật sư cho biết gia đình ông Hùng có thể khởi kiện người thừa kế của bà Hồng để đòi lại theo thỏa thuận ghi trong giấy nợ.
Bình luận (0)